Tác giả bài viết: Minh Khuyên
Miền Tây Nam bộ với đặc trưng là sông rạch chằng chịt. Nhà cửa được bà con cất dọc theo hai bên bờ sông với những hàng dừa nước mọc chen dày, xanh mướt. Ở đây còn có một đặc điểm sinh hoạt đầy thú vị khác là chợ nổi. Nhiều chợ nổi có tiếng khắp vùng như chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang); Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang); Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng); Chợ nổi Năm Căn (Cà Mau); Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), …
Chợ nổi Ngã Năm.
Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi là việc buôn bán đều diễn ra giữa các ghe xuồng bập bềnh trên sông nước. Thuở xưa, chợ nổi hình thành là vì đường bộ và phương tiện lưu thông đường bộ chưa phát triển, vì nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nên nhiều xuồng ghe tụ tập buôn bán riết mà thành chợ.
Chợ nổi thường bán các loại nông hải sản trong vùng. Nhiều chiếc ghe lớn chở dưa, dừa tươi, khóm, khoai, bí rợ, … từ các nhà vườn đến đây để bán sỉ cho các ghe tam bản. Những ghe này sẽ chuyên chở vào các con rạch nhỏ bán lại cho người dân quê. Nét thú vị và hết sức độc đáo ở chợ nổi là cây bẹo.
Cây bẹo trên chợ nổi chỉ đơn giản là cây sào cắm xuống lòng sông, phía trên người chủ ghe treo tòn ten những loại rau, quả, … mà ghe mình cần bán. Bán gì thì bẹo nấy. Vì thế, có cây béo bẹo cả chục thứ trái, củ trên đó, … Người muốn mua loại nào cứ việc nhìn cây bẹo ghé vào mà lựa. Người bán khỏi cần rao hàng, người mua cũng không lo phải tìm, kiếm tốn công.
Cây bẹo trên ghe bán rau, củ.
Cũng có khi người ta bẹo đồ bán trên mui ghe, cái thành gỗ gác ngang cũng được, không cần cầu kỳ. Bởi thực tình cây bẹo trên chợ nổi mang chức năng chính là thông báo những thứ hàng hóa muốn bán. Người miền Tây có tính thực tế và dân dã, nên họ cũng không quá cầu kỳ trang trí, …
Đến miền Tây vùng sông nước, bạn chỉ cần đi chợ nổi một lần là thấy cây bẹo. Mới đầu có lẽ du khách còn ngạc nhiên, nhưng khi tiếp cận mới thấy được hết tấm chân tình của người miền quê sông nước Cửu Long giang.