Vừa ngồi xống ghế, một lúc sau tôi được người chủ quán mang bánh cống ra mời dùng và không quên chúc thực khách ăn ngon miệng. Loại bánh này tôi đã dùng nhiều lần rồi nhưng cái bánh ở Cao Lãnh có màu vàng óng, thơm lừng thật đặc biệt. Người chủ quán tên Thảo cho chúng tôi biết, món bánh cống Cao Lãnh đặc biệt thơm ngon được làm tỉ mỉ và qua nhiều công đoạn nên có hương vị và màu sắc đặc trưng.
Bánh cống Cao Lãnh có màu sắc vàng óng, hương vị thơm lừng. (Ảnh: Hoàng Lê)
Theo chia sẻ của các “thổ địa” vùng này, bánh cống có nguồn gốc từ Sóc Trăng nhưng khi đến thành phố Cao Lãnh, bánh cống càng trở nên thơm ngon làm vấn vương biết bao thực khách khi đến nơi này. Giải thích về tên gọi bánh cống, chị Thảo cho biết, do dụng cụ đổ bánh giống cái cống tròn tròn nên gọi tên là bánh cống.
Để món bánh cống Cao Lãnh thơm ngon đặc trưng cũng phải có “bí kíp” và kinh nghiệm chế biến lâu năm, trong đó khâu canh lửa là quan trọng nhất. Vì nếu để quá lửa bánh sẽ sậm màu, còn nếu lửa chưa tới thì màu vàng sẽ nhạt, ăn lại không giòn. Bánh cống chính gốc Cao Lãnh là sự kết hợp hài hoà giữa nhân bánh và vỏ bánh bên ngoài. Vỏ bánh được làm bằng bột gạo trộn với bột mì, nhân bánh đan xen đậu xanh, tôm, trứng, khoai môn… Nguyên liệu sau khi chuẩn bị xong thì cho vào khuôn, để trong chảo dầu đun sôi.
Chiếc bánh cống ra lò có màu vàng ươm và toả hương thơm ngào ngạt. Món bánh này được ăn kèm với rau sống chấm nước mắm chua ngọt, tất cả hoà quyện làm người dùng thích thú phải hết lời xuýt xoa, khen ngợi.
Phải chăng, món bánh cống Cao Lãnh từ lâu đã trở thành thức quà đặc biệt, luôn toả ngát mùi hương để làm thực khách phải vấn vương, lưu luyến.
Tác giả bài viết: Hoàng Lê