Tác giả bài viết: TRÂN DUY
Đà Lạt mùa hoa mimosa
Đà Lạt đã vào đông, hoa mimosa đang kỳ nở rộ, làm đẹp thêm thành phố mù sương, trên những nẻo đường, vườn cây. Đã có rất nhiều du khách đến chụp hình cùng hoa.
Sắc vàng mimosa in trên nền trời xanh - Ảnh: Cao Cat
Những bông hoa mimosa đầu tiên tôi biết không phải qua lời một bài hát "Mimosa từ đâu em tới" mà là vào những năm cuối 1989 đầu 1990.
Ba tôi, một kỹ sư lâm nghiệm đi công tác Đà Lạt. Ngày về, cùng một ít khoai tây, bông cải, bắp cải... còn có một cành mimosa hoa vàng lá bạc còn tươi nguyên được ba tôi gói trong giấy báo ẩm.
Ba tôi đã cất công bứng từ sớm, bọc bông gòn ướt vào gốc, để mang về làm quà cho mẹ tôi. Không chỉ thế, ông đã muốn thử xem có thể trồng cây hoa này bằng cách dăm cành trong nhà kiếng ở xứ nóng không (nhưng ông đã thất bại).
Từ cành hoa của ba tặng mẹ, dẫn đến một thôi thúc tôi phải một lần đến Đà Lạt, đúng vào mùa mimosa nở.
Dĩ nhiên tôi đã thỏa nguyện, vì mimosa là một loài cây nở hoa bền bỉ, có thể kéo dài từ cuối mùa đông sang đến mùa xuân. Và khi thời tiết thuận lợi, mimosa có thể nở vàng rực trong nắng vàng Đà Lạt.
Tháng 10, khi tôi lên Đà Lạt vào mùa dã quỳ đang nở bung đẹp nhất, mimosa đang chi chít nụ. Đà Lạt khi đó còn đầy những chiều mưa, nên mọi cây mimosa trên các con phố đều sum suê cành lá.
Sang tháng 11, tôi lên lần nữa, mưa đang thưa dần, mọi cây mimosa vẫn xòe lá bạc, còn hoa đã bung nụ lấm tấm đầy cành.
Gần đây, khi nói về những mùa hoa đặc trưng Đà Lạt, dân du lịch và nhiếp ảnh hay nói về một loài hoa dại mang tên dã quỳ. Nhưng thực tế mà nói, dã quỳ không chỉ có ở Đà Lạt, mà đã có mặt gần như khắp Tây nguyên, và cũng đã có nơi vùng cao phương Bắc.
Sau mùa dã quỳ, là sẽ đến một mùa hoa khác, mai anh đào.
Hiện tại, có thể nói mai anh đào là một loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, vì các vùng khác ít có. Nhưng mai anh đào có một điểm yếu là mùa hoa khá ngắn. Và nếu thời tiết lạnh ít, hoa sẽ nở thưa thớt.
Còn phượng tím, dĩ nhiên phải chờ sang tháng 3.
Mimosa là một loài cây hoa thân gỗ, sống lâu sẽ cho ra thân tàn rộng. Tuy nhiên vì thân mảnh, cành nhiều nhưng bộ rễ lại yếu, cho nên khi trồng, lúc cây non phải vun đủ đất để bộ rễ phát triển đầy đủ nhất.
Ngoài ra còn phải biết cắt, chiết cành và ngọn để tán xòe, giảm độ cao. Không trồng nơi đất có địa thế xéo, tránh cây bị gió mưa làm lung lay, bật gốc... Những nhà vườn Đà Lạt luôn nói vậy khi nghe du khách hỏi về loài cây lá bạc hoa vàng này.
Còn về kinh tế, ngoài chuyện hoa đẹp (hoa mimosa màu vàng, như một cục bông với hàng trăm cánh nhỏ li ti nở thành chùm, nhiều chùm trên một cành, tạo ra một cây đầy hoa vàng rực) thì với người Đà Lạt, mimosa không còn giá giá trị gì khác.
Nhưng họ vẫn trồng khi có một chút đất còn trống trong góc vườn, và trồng dọc hàng rào. Như một cách nghĩ đơn giản mà dễ thương: có cây hoa đẹp thì cứ trồng, mùa có hoa thì ra nhìn ngắm. Mình ngắm, du khách ngắm. Để thấy đất trời như đẹp hơn.
Vâng, hoa mimosa rất đẹp, đó là khi chúng cùng bung nở chen chúc trên cành chứ không phải để hái thành bó trong phong trào phượt theo mùa, cầm hoa để chụp ảnh. Vì cũng như dã quỳ, chúng rất mau héo rũ khi phải lìa cành.
Và mọi cành hoa bị bẻ trơ trọi, dù là hoa dại (như xuyến chi, bồ công anh, bạch đầu ông, tàu bay... ) cũng kém đi hương sắc khi phải rời khỏi thân cành hay thảm hoa, cộng đồng hoa mà chúng đang vui sống.
Mùa này, đã có nhiều du khách đến chụp hình cùng hoa. Nhưng cho dù thế nào, xin đừng vặt cành bẻ hoa. Để đến mỗi mùa mimosa nở, mọi du khách đến từ các nơi đều có thể ngắm hoa, chụp hình cùng hoa mà không bị mang tiếng “những bước chân tàn phá”...
Hoa và nụ mimosa - Ảnh: Trân Duy
Những bông hoa như một cục bông với hàng trăm cánh nhỏ li ti - Ảnh: Trân Duy
Trong nắng mai trên phố - Ảnh: Trân Duy
Mimosa trong ngày đông lạnh - Ảnh: Trân Duy
Mimosa, loài cây lá bạc hoa vàng mọc hoang tô điểm cho núi rừng - Ảnh: Trân Duy
Du khách làm duyên cùng hoa mimosa - Ảnh: Trân Duy
Ngắm cận cảnh hoa mimosa - Ảnh: Trân Duy