Thượng úy Đinh Văn Dương đọc báo trong lúc nằm viện tại Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Ảnh - Phạm Dự
Ngày 7.7.2014, chiếc trực thăng Mi 171, số hiệu 01 Trung đoàn không quân trực thăng 916, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng phòng không không quân với 21 chiến sĩ đang trong giờ huấn luyện đã rơi xuống cánh đồng thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 20 chiến sĩ đã hy sinh. Chỉ còn duy nhất thượng úy Đinh Văn Dương sống sót.
29 tháng trong bệnh viện và 24 ca mổ
Trải qua 29 tháng nằm viện (891 ngày), 24 ca mổ, với sự giúp đỡ của những bác sĩ giỏi nhất Viện bỏng quốc gia và các bệnh viện hàng đầu Việt Nam, sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài, thượng úy Đinh Văn Dương dần tỉnh táo và có được cuộc sống ngày hôm nay, nhưng thân thể không còn lành lặn.
Anh Đinh Văn Dương không còn hai bàn tay, hai chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và nhiều phần da trên khuôn mặt co lại. Ông trời vẫn thương Đinh Văn Dương khi trí não anh hoàn toàn bình thường, thính giác, khứu giác, khả năng ngôn ngữ của anh đã trở về ổn định. Một bên mắt của Đinh Văn Dương thị lực còn 1/10, một bên 7/10, nhưng đó vẫn là điều quá may mắn với người từng tưởng đã về bên kia thế giới.
Trước mặt chúng tôi, anh Dương mặc một chiếc áo màu đen, viền cánh tay màu xanh, khuỷu tay chấm chấm vào màn hình chiếc máy tính bảng để đọc báo điện tử.
Chiếc áo do anh tự đặt mua trên mạng hồi còn nằm viện, người ta giao đến tận cổng Viện Bỏng quốc gia, sau đó mẹ anh, bà Trịnh Thị Đông xuống lấy cho con trai. Không phải Dương chê quần áo vợ mua cho, anh sợ vợ mua đồ đắt tiền thì không yên lòng. Vợ anh còn bao thứ phải chi tiêu, lo lắng cho hai bên nội ngoại và 2 con bé bỏng của anh.
Máy tính bảng anh đã mua từ khi bắt đầu biết cử động khuỷu tay. Chiếc máy tính giúp anh kết nối với thế giới bên ngoài, được ngắm nhìn hình ảnh của vợ con, được nói chuyện với các con bằng cuộc gọi video miễn phí vào mỗi buổi tối nhờ wifi trong bệnh viện. Với mọi người, chạm - vuốt màn hình cảm ứng là một việc dễ hơn ăn kẹo, còn với anh Dương, phải chờ đến khi một mỏm xương chồi ra từ khuỷu tay, đó mới là “ngón tay” thần kỳ, giúp anh nhìn ra thế giới ngoài kia từ phòng bệnh.
Sau tai nạn rơi trực thăng hồi tháng 7.2014, 4 tháng sau Đinh Văn Dương tỉnh lại. Tuy nhiên, cuộc chiến sinh tử để có thể ngồi dậy, đọc báo, lướt web, uống trà như bây giờ là những chuỗi ngày cam go.
Thượng úy Đinh Văn Dương những ngày mới tập đứng, tập đi bằng chân giả trong bệnh viện
Đinh Văn Dương đã quen mặt tất cả các bác sĩ của Viện bỏng quốc gia, quen thuộc từng dãy nhà, hành lang, phòng phẫu thuật, phòng phục hồi chức năng. Từ một người bất động trên giường, anh Dương mất 3 tháng chỉ để tập ngồi, 6 tháng để tập đứng và nguyên cả một năm trời để tập đi. Những ý nghĩ tiêu cực, mong muốn được buông xuôi để giải thoát cho chính mình khỏi những cơn đau co quắp, khỏi mặc cảm thân thể xấu xí, khỏi cho gia đình một gánh nặng nhiều lần trở đi trở lại trong Dương. Nhất là lúc anh không thể bưng một bát cơm, một chén nước hay lau mặt cho chính mình.
Giữa ngổn ngang những suy nghĩ muốn chết ấy, mẹ, vợ, con chính là liều thuốc thần kỳ để Dương từ cõi chết trở về.
“Bố ơi, bao giờ ngón tay bố mọc ra?”
Ngày 7.7.2014, chiến sĩ Đinh Văn Dương gặp tai nạn rơi trực thăng, 4 ngày sau vợ anh trở dạ, sinh con thứ 2, bé trai tên Hải Anh. Ngày anh tỉnh giấc giữa căn phòng trắng toát, Hải Anh đã được 4 tháng, cháu bé nhoẻn miệng cười khi thấy mặt bố, lúc bấy giờ đã biến dạng. Mầm sống ấy càng lớn càng giống bố như lột, cháu yêu bố, thương bố, lúc nào cũng quấn quýt lấy bố, không hề tỏ ra sợ hãi trước một người tàn tật.
Con gái lớn của chiến sĩ Đinh Văn Dương là Hải Yến, đang học lớp 1. Hai chị em thi thoảng được mẹ đưa vào thăm bố, các cháu múa hát, kể chuyện cho bố nghe, giục bố mau về. Hải Yến nhiều lần hỏi đi hỏi lại bố: “Bố ơi, bao giờ ngón tay bố mọc ra”. Đinh Văn Dương chết lặng, khoảnh khắc yếu lòng nhất của anh là lúc đó. Anh khao khát được trở về ngôi nhà thân yêu của mình, để được ăn một bữa cơm vợ nấu, để được xem các em múa hát, để dạy con gái lớn viết văn, xem phim hoạt hình cùng con trai. Anh thương vợ, chị Nguyễn Thị Hải còn rất trẻ, phải gánh gồng một gia đình với một người thương binh như anh và 2 con nhỏ.
Sau vụ tai nạn rơi trực thăng quân sự, anh Đinh Văn Dương mất 2 tay, 2 chân, anh đi đứng phụ thuộc vào chân giả
Sức khỏe yếu, tay chân không lành lặn như mọi người để có thể đưa các con đi chơi, đi công viên, đi siêu thị, Dương hứa với các con: “Bố sẽ bù đắp cho các con những gì thiếu thốn từ trước đến giờ”. Miệng hứa với các con, nhưng lòng anh đau nhói: Bao giờ lời hứa ấy thành sự thật.
Cách đây vài tuần lễ, một bác sĩ người Mỹ đến làm việc tại Viện bỏng quốc gia, ông đến phòng bệnh của Dương và thăm khám cho anh rất kỹ lưỡng. Ông bảo, ông và ê kíp bác sĩ của Mỹ có thể lắp cho anh một đôi tay khác được, nhưng vấn đề phải có đôi tay của người khác hiến tặng và phải đủ kinh phí (có lẽ là rất lớn, anh Dương không dám nhắc đến con số đó). Còn đôi chân của Đinh Văn Dương, có thể anh sẽ phải dùng chân giả, dùng xe lăn suốt đời. Một đôi chân giả, loại có thể lắp khớp để có thể bước lên bước xuống cầu thang là 250 triệu đồng, một số tiền vô cùng lớn với một thương binh như Dương.
Tháng 9.2016, Đinh Văn Dương đã chính thức xuất ngũ. Anh đang được hưởng chế độ thương binh với trợ cấp trên 6 triệu đồng mỗi tháng. Mẹ anh, bà Trịnh Thị Đông được hơn 1 triệu đồng mỗi tháng tiền chăm sóc cho Dương đến khi bà qua đời. Vợ anh Dương, chị Nguyễn Thị Hải, mức thu nhập của điều dưỡng viên Bệnh viện quân đội 108 tằn tiện đủ để chị nuôi 2 con ăn học.
Thế nhưng, chúng tôi mới là người cay cay khóe mắt khi hỏi Đinh Văn Dương, anh ao ước điều gì bây giờ nhất. Người thương binh lặng lẽ: “Ham muốn của con người là vô biên. Tôi đã may mắn hơn 20 đồng đội, đồng chí của tôi, tôi đã được Nhà nước chăm sóc, chăm lo cho tôi có một sự sống, một cuộc đời như ngày hôm nay. Tôi chỉ ước mong, một ngày nào đó có thể tự lo cho bản thân mình. Tự xúc cơm ăn, tự bưng nước uống, tự có thể vệ sinh cá nhân không cần phiền mẹ tôi”.
Mẹ anh, bà Trịnh Thị Đông, 61 tuổi, chấm nước mắt: “Tôi chiến đấu với con 29 tháng, qua 24 lần con lên bàn mổ, đau lòng thắt ruột khi nhìn con mình lớn lên một lần nữa. Biết ngồi, biết đứng, biết đi những bước chân đầu tiên bằng chân giả”.
Anh Đinh Văn Dương và con gái, con trai. Con trai anh 29 tháng, số tuổi của con trai bằng đúng thời gian anh nằm viện
“Tôi muốn xây nơi thờ phụng, tưởng nhớ đồng đội”
Anh Đinh Văn Dương sẽ trở lại nơi chiếc trực thăng rơi năm xưa để thắp hương cho đồng đội, đó là nguyện ước đau đáu của anh từ suốt hơn 2 năm qua nhưng chưa thể thực hiện vì lý do sức khỏe. Anh cũng mơ ước một việc làm lớn hơn, đó là xây nhà thờ, nơi tưởng niệm cho 20 người đã ngã xuống trong vụ máy bay rơi.
“20 người đã hy sinh, 10 người là bạn tôi, 10 người là đồng đội, đồng chí của tôi, nhưng một mình tôi chắc không thể làm được việc làm vượt ngoài khả năng của mình như thế”, anh Dương bộc bạch. Biết ước mơ là rất xa xôi, nhưng đó vẫn điều thôi thúc Đinh Văn Dương từng ngày, từng giờ. Mỗi một buổi sáng thức dậy, Dương ngước nhìn lên bầu trời xanh, nơi đó, đồng đội vẫn đang nhìn anh và mỉm cười…
Tác giả bài viết: Thúy Hằng
Nguồn tin: