Về mặt nhận thức, tỷ lệ lớn học sinh trong vùng bị giãn cách xã hội có biểu hiện suy giảm khả năng tư duy và giải quyết vấn đề khi học tập (60,6%). |
Lạm dụng internet và xu hướng lảng tránh tương tác xã hội
Theo TS Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, khái niệm Hội chứng tâm lý do Covid-19 được sử dụng để chỉ tập hợp các triệu chứng, biểu hiện bất thường về tâm lý xuất hiện cùng nhau ở học sinh trong thời gian bùng phát đại dịch Covid-19.
Covid-19 là tác nhân gián tiếp gây ra những biểu hiện của hội chứng tâm lý này.
Tháng 12/2021, TS Học cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu trên 8.401 học sinh tiểu học. Các em được lựa chọn ngẫu nhiên từ 3 miền Bắc, Trung, Nam. Nhóm nghiên cứu lựa chọn cả những học sinh trong vùng cách ly xã hội, phải học online tại nhà và những trẻ trong vùng không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, được học trực tiếp tại trường.
Kết quả cho thấy, về mặt nhận thức, tỷ lệ lớn học sinh trong vùng bị giãn cách xã hội có biểu hiện suy giảm khả năng tư duy và giải quyết vấn đề khi học tập (60,6%).
Đáng nói, các em gặp khó khăn ngay cả đối với những nhiệm vụ học tập vừa sức mà bình thường vẫn giải quyết được. Dấu hiệu suy giảm trí nhớ cũng thấy rõ với 2 biểu hiện chính là "khó nhớ nội dung hoặc nhiệm vụ học tập" (49,1%) và "quên làm bài tập về nhà" (35,7%). Ngoài ra, biểu hiện suy giảm khả năng tập trung chú ý trong hoạt động học tập xuất hiện ở 46,3% học sinh vùng giãn cách xã hội.
Về mặt cảm xúc, bất thường tập trung chủ yếu ở nhóm học sinh vùng giãn cách xã hội. Thông thường, do đặc điểm lứa tuổi, học sinh tiểu học thường ít bị kích động, ít xung đột với mọi người xung quanh. Tuy nhiên trong thời gian giãn cách xã hội, gần 1/3 học sinh được khảo sát thừa nhận bản thân trở nên nhạy cảm hơn, dễ xung đột. Ngoài ra, 22,7% học sinh vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 khẳng định mất hứng thú học tập, thậm chí chán học, sợ học.
Về mặt hành vi, TS Học và các đồng nghiệp nhận thấy bất thường về hành vi phổ biến nhất là tình trạng lạm dụng internet (56%), game, mạng xã hội (50,7%). Tiếp đến là xu hướng lảng tránh tương tác xã hội (35,4%), sống thu mình vào thế giới riêng (24,6%).
Học sinh tiểu học tại vùng giãn cách xã hội từng có suy nghĩ tự tử lên tới 13,8%
Nhóm nghiên cứu nhận định, Covid-19 đi kèm giãn cách xã hội đồng nghĩa với việc hạn chế thỏa mãn nhu cầu giao tiếp và tiếp xúc xã hội ở học sinh. Theo logic thông thường, điều này sẽ kích thích nhu cầu giao tiếp và tương tác ở trẻ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy xu hướng ngược lại: xu hướng suy giảm nhu cầu giao tiếp, tiếp xúc xã hội và xuất hiện biểu hiện thu mình vào thế giới riêng. Đây là dấu hiệu bất thường, là triệu chứng tâm lý cần được lưu tâm.
Bên cạnh đó, những suy nghĩ liên quan đến tự tử ở học sinh tiểu học Việt Nam trong thời gian Covid-19 cũng đáng quan ngại. Tỷ lệ học sinh tiểu học tại vùng giãn cách xã hội từng có suy nghĩ tự tử lên tới 13,8%, cao hơn so với công bố về tỷ lệ học sinh có ý định tự tử tại Việt Nam và thế giới đã được đề cập trước đó.
Về mặt cơ thể, những biểu hiện bất thường không liên quan trực tiếp đến tình trạng bệnh thực thể mà chủ yếu liên quan đến chất lượng giấc ngủ, tình trạng đau đầu và trạng thái đau, nhức cơ thể không rõ nguyên nhân. Cụ thể, số liệu thống kê thuộc nhóm bị giãn cách xã hội cho thấy, 33,7% thừa nhận khó ngủ hoặc mất ngủ, 32,5% trải nghiệm cảm giác đau nhức cơ thể không rõ nguyên nhân; 25,7% thường xuyên bị đau đầu.
Theo kết quả nghiên cứu, các biểu hiện bất thường về nhận thức, cảm xúc, hành vi, cơ thể quan sát trên nhóm học sinh vùng giãn cách xã hội, chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 cao hơn hẳn nhóm còn lại.
Nhóm nghiên cứu thông tin, có một số yếu tố tác động đến hội chứng tâm lý do Covid-19 ở học sinh tiểu học. Trong đó, thời gian giãn cách xã hội; thời gian sử dụng máy tính, điện thoại, internet trong ngày, phong cách giáo dục của cha mẹ, đặc biệt là mức độ stress, lo âu, trầm cảm là những yếu tố tác động mạnh mẽ nhất.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy, học sinh tiểu học Việt Nam có những bất thường rõ ràng về nhận thức, cảm xúc, hành vi và cơ thể. Những biểu hiện của hội chứng này có quan hệ chặt chẽ với mức độ stress, lo âu, trầm cảm, hành vi lạm dụng internet, game và mạng xã hội, nhưng không trùng lặp với những dạng rối loạn này. Trẻ em dường như đang gặp một loạt triệu chứng ranh giới giữa các dạng rối nhiễu trên. Vì vậy, có thể nhận định đây là hội chứng tâm lý có liên quan trực tiếp, gián tiếp với những tác động trong thời gian Covid-19", TS Hoàng Trung Học khẳng định.
TS Học cũng nhấn mạnh, trên cơ sở nghiên cứu này, cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa, can thiệp sớm và hỗ trợ tâm lý kịp thời cho nhóm học sinh có biểu hiện hội chứng tâm lý do Covid-19. Từ đó, giảm thiểu tác động tiêu cực của các rối nhiễu tâm lý trong điều kiện dịch bệnh như Covid-19 và ứng phó có hiệu quả với những vấn đề tâm lý tương tự có thể nảy sinh trong tương lai.
Tác giả: Hồng Liên
Nguồn tin: Báo Dân trí