Chiều 10-2, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy TP HCM với Thường trực quận ủy, huyện ủy, TP Thủ Đức, Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TP HCM về "Cách làm trong phòng chống tham nhũng vặt liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính cho người dân".
Nhiều địa phương có đối sách với tiêu cực
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tân Bình, báo cáo việc thực hiện Chỉ thị 10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, qua 3 năm thực hiện, Ban Thường vụ Quận ủy Tân Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị. Quận tổ chức tuyên truyền, giáo dục chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước về phòng chống tham nhũng. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên và nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, nhất là hành vi tham nhũng vặt của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải đã nêu 4 giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực |
Bà Trần Thị Ngọc Dung, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Củ Chi, thông tin huyện Củ Chi là địa bàn có tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh. Vì vậy, địa phương luôn ý thức được nguy cơ tiềm ẩn về tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng.
Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo thành lập tổ công tác kiểm tra, rà soát xử lý các công trình vi phạm tồn đọng kéo dài. Huyện Củ Chi cũng ban hành quy chế phối hợp và quy định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các xã, thị trấn và các phòng ban chuyên môn trong công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn.
Cùng với đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác tham mưu, quản lý về đất đai, xây dựng. Theo bà Ngọc Dung, cán bộ, công chức sẽ bị xử lý nghiêm khắc nếu để đối tượng vi phạm "chạy thủ tục" nhằm hợp thức hóa sai phạm.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho hay trong năm 2021, TP Thủ Đức tiếp nhận hơn 600.000 hồ sơ các loại, qua năm 2022 lên tới gần 1,1 triệu hồ sơ. Giải quyết lượng hồ sơ này là việc khó khăn với bộ máy hiện nay. Thành phố có nhiều nỗ lực nhưng vẫn nhận được phản ánh giải quyết thủ tục hành chính tại một số lĩnh vực còn chậm, như đất đai, đô thị chưa đạt được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong công tác phòng chống tham nhũng, đòi hỏi nhiều giải pháp trong thời gian tới.
Kiểm tra đúng trọng tâm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng phòng chống tham nhũng vặt là việc làm hết sức thiết thực, vì thường xảy ra trong những vụ việc ở cấp thấp. Theo ông, phòng chống tham nhũng đã khó, phòng chống tham nhũng vặt còn khó và lâu dài hơn vì việc này liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người giải quyết công việc.
"Thường thì mức sống, thu nhập của cán bộ trực tiếp tiếp xúc với người dân thấp, khó khăn. Ngoài ra, người giải quyết hồ sơ thường muốn sao cho dễ việc của mình... Nếu không nghiêm túc, không xem là mối nguy thì trở thành việc xấu và nguy hiểm" - ông Nguyễn Hồ Hải nói.
Phó Bí thư Thành ủy nhận xét trách nhiệm, tính nêu gương ở một số đơn vị, nhất là cơ quan "nhạy cảm", đôi lúc còn nhiều hạn chế. Nếu trưởng phòng hay giám đốc không gương mẫu thì cán bộ cấp dưới, đặc biệt là chuyên viên trực tiếp tiếp xúc với nhân dân cũng như vậy.
Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt, đạt hiệu quả cao, ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh 4 giải pháp.
Thứ nhất, công tác cán bộ. Theo ông Nguyễn Hồ Hải, trong phòng chống tham nhũng, sự chỉ đạo từ cấp trung ương trở xuống đã có nhiều, vấn đề là làm thế nào để mỗi người tự nhìn nhận và tự giác suy nghĩ về việc này. Muốn như vậy cần có sự gương mẫu từ trên xuống.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đặc biệt là công tác tự kiểm tra ở từng cơ quan, đơn vị. Đây là công tác thường xuyên nhưng làm sao kiểm tra đúng trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả phòng ngừa. Người đứng đầu cần xác định lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, ngành… những vị trí dễ phát sinh tham nhũng, đặc biệt là vị trí giải quyết nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp để có sự thường xuyên kiểm tra. Kiểm tra với mục tiêu lớn nhất là phòng ngừa, uốn nắn, răn đe, còn những trường hợp cố tình vi phạm thì phải xử lý nghiêm.
Thứ ba, từng cơ quan, đơn vị tăng cường giải pháp để cải cách thủ tục hành chính. Việc này nhằm tránh người giải quyết vụ việc gặp người cần giải quyết càng nhiều càng tốt. Đồng thời, chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp thấp.
Thứ tư, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ, đoàn thể chính trị, đặc biệt là khi thành phố thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, không còn HĐND cấp phường, quận.
Thông tin tại hội nghị cho hay thời gian qua Ban Thường vụ đã chỉ đạo Đảng Đoàn MTTQ TP HCM chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, vận động nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Chú trọng giám sát lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực Ban Nội chính Thành ủy nhận định các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực được Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP HCM triển khai mạnh mẽ, khá toàn diện. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí phù hợp đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong đó, chú trọng xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. |
Tác giả: QUỐC ANH
Nguồn tin: Báo Người Lao Động