Theo phản ánh của người dân bản Huồi Pai cho biết, trong năm 2017, trên sườn núi thuộc phía Nam của dòng Huồi Pai, xuất hiện vết nứt dài hàng chục mét. Điểm cao nhất của vết nứt cách Tỉnh lộ 543C hơn 400m. Ngoài ra, tại quả đồi ấy, có rất nhiều vết nứt khác ngày một lớn hơn.
Anh Vi Văn Khôn, Công an viên kiêm Phó bản Huồi Pai cho biết, người dân phát hiện có vết nứt từ năm 2017, đến nay, nó đã lan rộng và kéo dài hơn. Hiện nay, điều nguy hiểm nhất là vết nứt trên khu vực gần đỉnh đồi, nó không chỉ ảnh hưởng đến các gia đình sống dưới chân núi mà còn đe dọa tính mạng của người đi đường và giao thông đi lại của hơn 4 bản vùng trong của xã Yên Tĩnh và Hữu Khuông.
“Nếu chừng đó đất đá mà sạt xuống thì toàn bộ đường cũng như dòng khe Huồi Pai sẽ hoàn toàn bị chặn lại, các hộ dân vùng trong của Huồi Pai chắc lẽ sẽ bị ngập sâu trong nước” – Anh Khôn nói thêm.
Hiện nay, nhiều điểm vết nứt đã lan rộng hơn 20cm. Ảnh: Hồ Phương |
Ông Lô Hoàng Diệu, người dân bản Huồi Pai, xã Yên Tĩnh là gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của các trận lũ quét thuộc cơn bão số 3, số 4 hồi tháng 8/2018 vừa qua chưa thể di dời. Mặc dù vậy, với anh Diệu, điều đáng lo ngại nhất vẫn là vết nứt dài trên núi.
“Gia đình tôi đang khẩn trương tìm vị trí mới để di dời nhà. Ở vị trí này hết sức nguy hiểm, vết nứt có thể gây sạt lở bất cứ lúc nào. Khi đó thì toàn bộ gia đình tôi sẽ bị vùi lấp” – Anh Hoàng Diệu chia sẻ.
Quan sát của chúng tôi, vết nứt trên triền đồi thuộc vườn keo của người dân bản Huồi Pai có chiều dài chừng 100m, có những đoạn nứt rộng hơn 20cm. Qua thời gian, phần đất trên núi tại điểm gần với Tỉnh lộ 543C xuất hiện nhiều vết nứt lớn. Nền đất thuộc khu vực này cũng hết sức yếu.
Điểm giao nhau giữa vết nứt và Tỉnh lộ 543 là mỏm núi cao, dốc và có nhiều đá lớn rất nguy hiểm. Ảnh: Hồ Phương |
“Từ khi xuất hiện vết nứt chúng tôi đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân hết sức lưu ý mỗi lần đi qua điểm sạt lở đó. Chúng tôi cũng sẽ báo cáo ra xã để phía xã lên kiểm tra và tìm phương án xử lý sự cố đó” – ông Thuyết nói thêm.
Ông Vi Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết, đoạn Tỉnh lộ 543C thuộc bản Huồi Pai thường xuyên bị sạt lở. Đối với vết nứt lớn trên sườn núi, phía chính quyền xã sẽ cho người ra kiểm tra, báo cáo bằng văn bản lên huyện để huyện có phương án xử lý kịp thời.
Cột điện đường dây cao thế nằm trọn trong phạm vi sạt lở của vết nứt. Ảnh: Hồ Phương |
Bản Huồi Pai có 86 hộ dân với 374 nhân khẩu. Người dân sống ở hai bên dòng khe Huồi Pai và rải rác hai bên Tỉnh lộ 543C. Nguồn kinh tế chủ yếu của dân bản chủ yếu là chăn nuôi, trồng lúa nước ở hai bên bờ suối. Lũ quét và sạt lở đất là hai vấn đề nan giải mà không chỉ người dân bản Huồi Pai mà cả xã Yên Tĩnh thường xuyên phải đối mặt.
Tỉnh lộ 543C nối Cửa Rào (xã Xá Lượng) đi bản Xàn (xã Hữu Khuông), là tuyến có nhiều người và phương tiện thường xuyên qua lại. Ảnh: Hồ Phương |
“Gần đây, qua phương tiện thông tin đại chúng, thấy các tỉnh miền núi đã xảy ra nhiều trường hợp sạt lở hết sức nghiêm trọng, vùi lấp hàng chục hộ dân vì thế chúng tôi cũng rất lo sợ. Nếu đã phát hiện thấy vết nứt mà không xử lý kịp thời để khi nó xảy ra hậu quả thì thật sự rất đáng tiếc”, một người dân cho biết.
Tác giả: Hồ Phương
Nguồn tin: Báo Nghệ An