Công văn hỏa tốc: Xét thăng hạng tránh tràn lan, sai đối tượng
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có công văn hỏa tốc gửi tới các đơn vị trực thuộc Sở.Văn bản nêu rõ, qua tổng hợp danh sách thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của các đơn vị báo cáo Sở, các cơ sở giáo dục chưa có sự thống nhất trong thẩm định hồ sơ.
Cô giáo Hồ Thị Hạnh, Trung tâm GDNN-GDTX Mỹ Đức, Hà Nội, người nộp hồ sơ xét thăng hạng giáo viên đợt này. Ảnh: NVCC. |
Vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các hiệu trưởng thực hiện đúng văn bản số 3277 của Sở Nội vụ, văn bản số 4130 của Sở GD&ĐT.
Bên cạnh đó, tại văn bản số 3277 quy định: "Trên cơ sở danh sách giáo viên đã đăng ký thăng hạng theo Văn bản số 1783, Tổ thẩm định hồ sơ có trách nhiệm rà soát danh sách, hồ sơ các trường hợp viên chức giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp hạng III lên hạng II. Không bổ sung thêm người vào danh sách.
Các cơ sở giáo dục xây dựng cơ cấu, nhu cầu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên của đơn vị đảm bảo tỷ lệ khoa học làm cơ sở để xét thăng hạng tránh tràn lan, không đúng đối tượng.
Trong quá trình xác định cơ cấu, nhu cầu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên và thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện, thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, cụm từ trong văn bản số 3277 ghi "Trong đó, tập trung rà soát đề xuất đội ngũ giáo viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, giữ vai trò là trưởng, phó tổ chuyên môn và đội ngũ giáo viên cốt cán được thăng hạng cho phù hợp, giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục" được hiểu bao gồm như sau:
Các chức danh có Quyết định ban hành: Hiệu trưởng, cấp ủy, chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, bí thư đoàn thanh niên, nhóm trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán… đã và đang thực hiện trong 6 năm liền kề trước thời điểm hết hạn hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo thứ tự từ trên cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo cơ cấu, nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giáo viên trong đơn vị xây dựng.
Nếu đề nghị đối với giáo viên (không thuộc các chức danh trên) đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thì phải đảm bảo cơ cấu, nhu cầu và giáo viên phải giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục.
Giáo viên có bề dày thành tích vẫn bị “bỏ lại phía sau”?
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, thầy giáo Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết, trong công văn hỏa tốc của Sở GD&ĐT Hà Nội, đối tượng xét thăng hạng có mở rộng đến giáo viên, tuy nhiên, không phải tất cả các giáo viên đều được xét thăng hạng.
Điều đó thể hiện ở câu “Nếu đề nghị đối với giáo viên (không thuộc các chức danh trên) đủ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên thì phải đảm bảo cơ cấu, nhu cầu và giáo viên phải giữ vai trò định hướng chuyên môn trong các cơ sở giáo dục”. Với chỉ đạo hoả tốc này của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường THPT có mở rộng thêm một số giáo viên không có chức vụ đang trong các môn học mà nhà trường chưa có giáo viên hạng 2. Thường thì mỗi môn sẽ có 1 hoặc 2 giáo viên không có chức vụ được tham dự xét thăng hạng để các giáo viên này sau khi trở thành giáo viên hạng 2 sẽ thực hiện các nhiệm vụ, chức năng theo quy định – giữ vai trò định hướng chuyên môn.
“Như vậy, đợt xét thăng hạng này vẫn chủ yếu là thăng hạng cho cán bộ nhà trường, những giáo viên có bề dày thành tích vẫn bị “ bỏ lại phía sau”. Đây là một bất bình đẳng rất lớn trong các đơn vị trường học”, thầy Đường nói.
Điều này, theo thầy Đường sẽ dẫn đến hệ luỵ rất lớn. Thứ nhất, nó sẽ gây sự bất bình đẳng trong các nhà trường, khoảng cách về lợi ích giữa những người có chức với giáo viên không có chức.
Thứ hai, từ những năm sau, các nhiệm vụ, công việc của giáo viên hạng 2 sẽ do các tổ trưởng, tổ phó… thực hiện. Những giáo viên giàu năng lực chuyên môn, có thành tích cao trong giảng dạy nhưng vì không được thăng hạng nên sẽ không có nhiệm vụ phải thực hiện. Điều này ảnh hưởng chất lượng giáo dục của nhà trường.
Điều này còn có thể xảy ra tình trạng giáo viên hạng 3 vẫn phải thực hiện nhiệm vụ, công việc của giáo viên hạng 2 mà không được thăng hạng. Lý do là nhiều đơn vị trường học hiện nay đội ngũ tổ trưởng, tổ phó nhiều người chỉ năm sau về hưu, sẽ khuyết giáo viên hạng 2 đảm nhiệm vị trí này.
Cùng với đó, nó có thể khiến các thầy cô có năng lực cống hiến mất đi nhiệt huyết cống hiến, ảnh hưởng không tốt tới công việc giảng dạy.
Ngoài ra, đây chỉ là công văn của Sở GD&ĐT đến các đơn vị trực thuộc sở, chủ yếu là giáo viên THPT, còn lại các nhóm giáo viên THCS, mầm non, tiểu học thì vẫn không thay đổi.
“Tôi mong Hà Nội nhanh chóng điều chỉnh, thực hiện thăng hạng giáo viên đúng Luật Giáo dục, đúng nghị định 115”, thầy Nguyễn Văn Đường bày tỏ.
Trước đó, Sở Nội vụ Hà Nội ban hành Công văn số 3277/SNV-CCVC (gọi tắt Công văn 3277) về việc thẩm định, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên (GV). Theo công văn, Sở Nội vụ Hà Nội dự kiến báo cáo UBND TP tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng 3 lên hạng 2 theo hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ. Tuy nhiên, văn bản này lại hướng dẫn xét "hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng và GV cốt cán" và "đủ 9 năm đại học" thay vì xét hết những giáo viên đủ điều kiện, nên nhiều hồ sơ đã bị loại. Nhiều giáo viên có thành tích cao nhưng bị từ chối hồ sơ xét thăng hạng vì không có chức vụ chia sẻ, đã cảm thấy rất buồn. Cô Đặng Thị Hải Yến, giáo viên môn Tin học trường THPT Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, cô có rất nhiều thành tích: Giải Nhì giáo viên giỏi thành phố, chiến sĩ thi đua năm 2917, 2018, 2019. 2020; Có 03 sáng kiến kinh nghiệm loại B, 02 sáng kiến kinh nghiệm loại C; Giải khuyến khích cuộc thi viết “ Tấm gương nhà giáo" do thành phố tổ chức; giải Ba cuộc thi "“Thiết kế bài giảng E learning"... Ngoài ra, nhiều năm qua, cô còn đảm nhiệm viết bài trên website hoặc Fanpage nhà trường... Tuy nhiên, cô bị từ chối làm hồ sơ xét thăng hạng vì không có chức vụ theo công văn 3277 của Sở Nội vụ Hà Nội. Điều đó khiến cô rất thất vọng. |
Tác giả: Mai Nguyễn
Nguồn tin: kienthuc.net.vn