Số hóa

Xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại để phòng ngừa tình trạng nghiện game

Một trong những điểm đáng chú ý của Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng thay thế cho Nghị định 72/2013 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2024 là đưa ra những quy định nhằm quản lý chặt chẽ hơn đối với người chơi game dưới 18 tuổi.

Tuy nhiên điều mà nhiều người quan tâm hiện nay là việc thực thi các quy định này như thế nào để bảo đảm tính hiệu quả trong thực tế, nhất là trong bối cảnh nghiện game ở giới trẻ đang là vấn nạn nhức nhối.

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi.

Các đơn vị phát hành game cũng phải phát đi cảnh báo, khuyến cáo về việc chơi quá 180 phút/ngày sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Cùng với đó, Nghị định quy định rõ, việc thực hiện xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm tài khoản xác thực mới được tham gia chơi. Và người dưới 16 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký thông tin.

Ảnh minh hoạ.

Nhiều ý kiến ủng hộ đối với các quy định mới trong Nghị định 147 nhằm siết chặt hơn đối với người chơi game dưới 18 tuổi, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ trẻ em nghiện game có xu hướng ngày càng tăng đang là nỗi lo của nhiều gia đình.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 70-80% số trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10-15%. Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, có tới 43% bệnh nhân điều trị nội trú nghiện Internet, nghiện game online ở nhóm 10-24 tuổi.

Bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định an toàn thông tin, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam cho rằng, với quy định trên, Nghị định 147/2024 thay thế cho Nghị định 72/2013 đã luật hóa các yêu cầu bảo vệ trẻ em trên mạng, áp dụng cho các nền tảng, dịch vụ trong nước và của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới.

Ông Đỗ Dương Hiển, chuyên gia của ChildFund Việt Nam cũng nhấn mạnh việc quản lý chặt thời gian chơi game online, điều kiện chơi game đối với trẻ em dưới 18 tuổi hay như yêu cầu doanh nghiệp cung cấp game phải phân loại nội dung, phân loại game, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý, sử dụng Internet nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.

Chia sẻ thêm về những tác động của các quy định này, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết: Việc khống chế thời lượng chơi game đối với nhóm đối tượng trẻ em dưới 18 tuổi là tín hiệu tốt nhằm bảo vệ, tạo ra sự an toàn cho người chơi game; từ đó góp phần tạo dựng thị trường game phát triển lành mạnh, bền vững. Bên cạnh đó, việc yêu cầu đơn vị phát hành game phát cảnh báo về việc không được chơi quá 180 phút/ngày cũng giúp người chơi ý thức hơn về những rủi ro từ việc lạm dụng quá mức việc chơi game.

Về quy định, xác thực tài khoản người chơi bằng số điện thoại di động tại Việt Nam, bảo đảm tài khoản xác thực mới được tham gia chơi và người dưới 16 tuổi phải có cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký thông tin, ông Đồng cho rằng, quy định này là cần thiết nhằm tăng cường sự giám sát, quản lý của phụ huynh đối với hoạt động này.

Tuy vậy, ông Đồng cũng thừa nhận, hiện nay có một thực tế là phụ huynh đang có xu hướng cho trẻ sử dụng điện thoại sớm, nhiều gia đình con học THCS, THPT đã được sử dụng điện thoại di động nên sẽ có những thách thức nhất định trong việc quản lý. Chẳng hạn như trẻ có thể “lách” sự quản lý, giám sát của bố mẹ bằng việc mua tài khoản đăng ký sẵn trên mạng hoặc lập cùng lúc 2 tài khoản, khi chơi hết thời lượng của tài khoản thứ nhất sẽ chuyển sang sử dụng tài khoản thứ 2.

“Do đó vấn đề quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức của người chơi game, chỉ khi nào ý thức của người chơi tốt thì mới có thể tự bảo vệ mình tốt nhất. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các game lành mạnh để trẻ em có cơ hội vừa chơi, vừa học bổ ích, lành mạnh. Và cuối cùng là cần tăng cường sự đồng bộ trong việc kiểm tra giám sát các quy định này trong thực tế với sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, các hiệp hội, các nhà cung cấp dịch vụ lẫn phụ huynh học sinh”, ông Đồng khuyến nghị.

Tác giả: Hùng Quân

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP