Trong tỉnh

WB tài trợ 130 triệu USD cải thiện chất lượng cuộc sống tại Nghệ An

Dự án do WB tài trợ sẽ kết nối 30.000 hộ gia đình với hệ thống cống cấp 2 và cấp 3 xây mới hoặc cải tạo đồng thời giảm một nửa thời gian phụ nữ phải làm việc nhà sau ngập lụt.

WB tại trợ thành phố Vinh tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và cải thiện cơ sở hạ tầng vệ sinh, giao thông và không gian công cộng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 31/7, Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt Dự án nhằm tăng cường khả năng thích ứng với ngập lụt và cải thiện cơ sở hạ tầng vệ sinh, giao thông và không gian công cộng tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) với kinh phí 129,6 triệu USD.

Theo đó, dự án ‘Hạ tầng ưu tiên và Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh’ sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 250.000 cư dân tại khu vực trung tâm đô thị Vinh thông qua giảm thiểu rủi ro úng ngập và cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối 30.000 hộ gia đình với hệ thống cống cấp 2 và cấp 3 xây mới hoặc cải tạo đồng thời giảm một nửa thời gian phụ nữ phải làm việc nhà sau ngập lụt, bao gồm cả dọn dẹp nhà cửa. Dự án sẽ góp phần cải thiện khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách giảm thiệt hại do mưa lớn và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhờ cải thiện điều kiện sống ở khu vực trung tâm thành phố và xây dựng làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp.

Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: “Dự án thành phố Vinh không chỉ có mục tiêu cơ sở hạ tầng mà là một nỗ lực mang tính chuyển đổi để cải thiện điều kiện kinh tế xã hội của người dân thành phố Vinh. Dự án thể hiện cam kết của Ngân hàng Thế giới trong hỗ trợ Việt Nam đạt được đô thị hóa bền vững và tăng trưởng thích ứng với biến đổi khí hậu.”

Nhiều nơi tình trạng nước thải vẫn chưa được xử lý. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thiết kế dự án phản ánh các bài học kinh nghiệm về năng lực thích ứng của đô thị và quản lý rủi ro thiên tai ở Việt Nam đồng thời dựa trên báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, thông qua hỗ trợ năng lực của thành phố trong công tác dự báo và ứng phó với ngập lụt và tham gia vào quá trình quy hoạch đô thị nhạy cảm hơn với khí hậu.

Các khoản đầu tư bao gồm hệ thống kiểm soát ngập lụt, cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý nước thải và kết nối giao thông để thúc đẩy tăng trưởng đô thị bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Ngân hàng Thế giới, thành phố Vinh thiếu khả năng ứng phó với các trận mưa lớn, dẫn đến tình trạng nước mưa ứ đọng ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Để cải thiện hệ thống thoát nước, một hồ điều hòa mới sẽ được xây dựng để chứa lượng nước mưa dư thừa chảy tràn trong lưu vực thoát nước rộng hơn của thành phố. Dự án cũng sẽ hỗ trợ chuyển đổi đất trống ở hai bên bờ sông Vinh thành không gian xanh công cộng đồng thời cải thiện thu gom và phân loại rác thải để giảm lượng rác thải nhựa bị thải ra sông.

WB mong muốn cải thiện được tình trạng mưa ngập úng ở nhiều nơi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, Ngân hàng Thế giới phê duyệt 194,36 triệu USD cho 4 đô thị vừa của Việt Nam xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu và tăng cường năng lực quy hoạch đô thị. Theo WB, Dự án Phát triển tổng hợp đô thị động lực có mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và cải thiện dịch vụ đô thị ở bốn đô thị, bao gồm: Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Hải Dương và Yên Bái. Các hoạt động của dự án dự kiến trực tiếp mang lại lợi ích cho khoảng 200.000 cư dân, trong đó hơn nửa là phụ nữ.

Cuối năm 2021, Ngân hàng Thế giới cũng tài trợ trị giá 126,9 triệu USD giúp nâng cao khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, tăng cường tính kết nối và giảm rủi ro ngập lụt ở vùng lõi đô thị của thành phố Vĩnh Long.

Những dự án này nhằm giúp giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giảm thời gian đi lại của người dân trên những tuyến đường được cải tạo và xây mới, đồng thời hỗ trợ xây dựng các không gian công cộng chất lượng cao. Các dự án cũng cải thiện kết nối tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm thương mại và các điểm tham quan du lịch, qua đó mang lại lợi ích cho người lao động, thương nhân cũng như du khách. Những cải thiện hạ tầng này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy xuất khẩu, tạo thêm việc làm và giúp các đô thị tăng trưởng kinh tế bền vững./.

Tác giả: Thúy Hà

Nguồn tin: vietnamplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP