Liên quan tới vụ việc, phía người đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền thiệt hại gần 9 tỷ đồng. Trong đó, người chịu trách nhiệm chính là ông Trần Văn Giang (lái tàu) Phan Thế Thượng (chủ tàu) và bà Nguyễn Thu Hồng (vợ ông Thượng) chịu trách nhiệm liên đới.
Trước đó, VKSND TP.Biên Hòa ra quyết định truy tố ông Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) về tội “Điều động hoặc giao người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy” và ông Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Sóc Trăng) về tội “Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.
Vào trưa ngày 20-3-2016, ông Thượng, Giang và ông Nguyễn Văn Lẹ (quê Bạc Liêu) cùng đi trên tàu SG-3745 đẩy sà lan SG-5984 chở khoảng 800 tấn cát từ miền Tây về tỉnh Đồng Nai để tiêu thụ.
Khi tới khu vực TP.HCM, ông Thượng xuống tàu và giao lại cho ông Giang điều khiển. Khi chiếc xà lan được đẩy ngược dòng về Đồng Nai đi qua đoạn chân cầu Ghềnh (cầu đường sắt Bắc – Nam) thì bất ngờ gặp nước xoáy rồi đâm vào chân cầu làm gãy 2 nhịp cầu Ghềnh đổ xuống sông. Sự việc khiến giao thông đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt nghiêm trọng.
Sau khi gây ra vụ việc, ông Giang trốn về quê và sau đó ra đầu thú. Qua làm việc với lực lượng chức nặng, ông Thượng khai mình là tài công và thừa nhận tàu mình không đảm bảo an toàn kỹ thuật nhưng vẫn giao cho ông Giang điều khiển, trong khi ông này không có bằng lái nên đã gây ra vụ tai nạn. Về phần ông Lẹ, công an xác định ông này chỉ là người phụ giúp trên tàu nên không bị truy tố trách nhiệm.
Cơ quan điều tra đã giám định và xác định tổng giá trị thiệt hại tài sản trong vụ cầu sập cầu Ghềnh là 21,7 tỷ đồng.
Tác giả bài viết: Tân Thành
Nguồn tin: