Giáo dục

Vụ gian lận điểm thi 2018, vì sao mới xử lý cán bộ địa phương?

Đề cập đến vụ gian lận thi cử 2018, đại biểu Quốc hội thắc mắc, tại sao đến thời điểm này mới chỉ xử lý cán bộ ở địa phương, trong khi sai phạm mang tính hệ thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra lại chỉ dừng lại ở việc “nghiêm túc rút kinh nghiệm”?

Vụ gian lận điểm thi cử 2018, vì sao mới xử lý cán bộ địa phương?

Tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến vụ gian lận thi THPT quốc gia gây chấn động năm 2018. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Hà Giang, có 330 bài thi của 114 thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đó. Cá biệt có thí sinh có tổng điểm các bài thi được nâng lên 29,95 điểm.

Kết quả xử lý cho thấy, trong số 114 thí sinh có 72 thí sinh đăng ký dự thi để xét công nhận tốt nghiệp năm 2018 và chỉ có 3 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp; 39 thí sinh đã nhập học và hiện đang học tại 23 trường đại học, cao đẳng. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xử lý nghiêm, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử nên khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu người nào trong số 39 sinh viên này có tham gia vào quá trình gian lận thi cử thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Đối với gian lận thi cử tại Hòa Bình và Sơn La, trong số 108 thí sinh được sửa điểm thi có 1 thí sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp, trường hợp này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo xóa tên khỏi danh sách tốt nghiệp; 13 thí sinh không có tên trong danh sách trúng tuyển đại học, cao đẳng; 1 thí sinh thi THPT quốc gia đã nhập học vào Học viện An ninh và 81 thí sinh đã nhập học vào 26 trường cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đã bị các trường buộc thôi học.

Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển đang được các trường cho tiếp tục theo học. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục khẳng định quan điểm phải xử lý nghiêm khắc, xem xét buộc thôi học những thí sinh gian lận thi cử.

Tuy nhiên, đề cập đến vụ gian lận thi cử này, không ít đại biểu Quốc hội thắc mắc, tại sao đến thời điểm này mới chỉ xử lý cán bộ ở địa phương, trong khi sai phạm mang tính hệ thống do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra lại dừng lại ở việc “nghiêm túc rút kinh nghiệm”? Về việc này, Bộ cho biết, sai phạm tại kỳ thi năm 2018 chủ yếu do có sự can thiệp của cán bộ giáo dục ở địa phương chứ không phải do lỗi kỹ thuật.

Thi trắc nghiệm làm giảm khả năng tư duy?

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 đạt 94,06% và có sự khác biệt giữa các địa phương, vùng miền. Đáng lưu ý, tại kỳ thi này vẫn xảy ra sai sót ở một số Hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm thi muộn so với giờ quy định; hay một số cán bộ coi thi ký nhầm ô giấy thi của thí sinh…

Cùng với đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về xu hướng tuyệt đối hóa việc ra đề trắc nghiệm mà bỏ qua hình thức tự luận. Viện dẫn về những trường hợp cử nhân ra trường không viết nổi cái đơn xin việc, theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đây là hệ quả của việc lạm dụng sử dụng hình thức thi trắc nghiệm, làm giảm năng lực tư duy của học sinh. Đại biểu đề nghị, cấu trúc đề thi nên kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận, đảm bảo tỷ lệ phù hợp để đánh giá đầy đủ năng lực của học sinh.

Qua tiếp xúc cử tri và giám sát tại địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh khẳng đinh, kỳ thi “2 trong 1” giúp giảm tải áp lực cho phụ huynh, học sinh, tính khách quan cao hơn khi đưa giảng viên của các trường đại học xuống địa phương coi thi. Nhưng dư luận lại đặt câu hỏi chi phí cho khoảng 5 nghìn giảng viên đại học về địa phương được bố trí như thế nào?

Bà Minh đề nghị làm rõ các khâu, từ việc ký hợp đồng, đấu thầu, nghiệm thu phần mềm chấm thi trắc nghiệm, đặc biệt cần tiếp tục hoàn thiện phần mềm để ngăn chặn sự can thiệp có chủ đích gây hậu quả lớn cho công tác chấm thi. Về hình thức thi, trong giai đoạn tiếp theo, cần chú trọng điều chỉnh dạy và học hướng tới phát triển toàn diện năng lực học sinh. Đặc biệt đối với môn Toán và môn Lịch sử, Bộ nên khảo sát, nghiên cứu, tham khảo ý kiến từ các trường đại học có nên tổ chức theo hình thức trắc nghiệm đối với hai môn học này không.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, việc đưa giảng viên các trường đại học và sử dụng camera tại kỳ thi đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ. Về mặt tài chính, những năm trước, các trường đại học đứng ra chủ trì đối với cơ sở thi mà thí sinh dự thi đại học, còn Sở chỉ tổ chức các điểm thi. Sau năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu phương án thi phù hợp tới thực tế, trước mắt sẽ duy trì phương thức thi như hiện tại.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP