Giáo dục

Vợ chồng thầy giáo nấu cơm miễn phí cho học trò vùng cao

Nhiều lần chứng kiến cảnh học sinh đến trường với cái bụng rỗng, thầy Lương Văn Bá đã bàn với vợ mở quán ăn sáng miễn phí, phục vụ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó đến nay, căn nhà nhỏ của cặp giáo viên này là địa điểm ăn sáng cho hàng trăm học sinh nghèo ở vùng cao xứ Nghệ.

Những học sinh nghèo đã có chỗ ăn sáng miễn phí.

Quán ăn sáng đặc biệt

Gần 2 tháng nay, đều đặn vào sáng thứ 3 hàng tuần, cửa hàng tạp hóa trước nhà vợ chồng thầy Lương Văn Bá (SN 1977), giáo viên môn Thể dục Trường THCS Dũng Hợp, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) trở thành... quán ăn sáng. Chỉ khác một điều, “khách” ra vào quán là các em học sinh nghèo từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn hai xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp. Và hơn nữa, những vị khách đặc biệt ấy sẽ không phải trả tiền cho những món ăn tại quán này.

Cầm ổ bánh mì trên tay, em Nguyễn Thanh Trà, học sinh lớp 8B, Trường THCS Dũng Hợp không dấu được sự vui mừng trước món ăn sáng yêu thích. Học sinh này cho hay, vì gia đình nghèo, bố mẹ đi làm đồng từ sớm nên nhiều khi phải ăn cơm nguội chan nước mắm hoặc nhịn đói đến trường. “Từ ngày được nhận suất ăn sáng miễn phí tại quán của thầy Bá, em rất vui và có thêm sức khỏe để đến trường mỗi ngày”, Trà tâm sự.

Trà là một trong 250 học sinh được nhận suất ăn sáng mà thầy Bá cùng vợ là cô Phạm Thị Thêu (SN 1977, giáo viên dạy Văn, Trường THCS Dũng Hợp) mở ra. Chia sẻ về việc làm của mình, thầy Bá tâm sự, bản thân lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên thời học sinh đã nhiều lần đến trường trong tình trạng bụng đói. Nhiều hôm ngồi học trên lớp phải chống chọi với những cơn đói cồn cào gan ruột.

Tan trường phải hái tạm đòng đòng, hay quả dại ăn tạm cho qua cơn đói. Tuổi thơ khốn khó ấy là ký ức không bao giờ quên trong tâm trí người thầy giáo này. “Mặc dù hiện nay, điều kiện sống đã khác xưa nhưng vẫn có những em học sinh phải nhịn ăn sáng để đến trường. Nhiều em, đến tiết Thể dục của tôi mà không đủ sức để chạy bền, thương lắm. Những hình ảnh đó khiến tôi luôn trăn trở phải làm cái gì để giúp đỡ một phần cho các em”, thầy Bá nói.

Nghĩ là làm, thầy Bá về nhà bàn với vợ sẽ mở quán nấu bữa sáng miễn phí cho các em học sinh. Đề xuất của thầy nhanh chóng nhận được vợ đồng ý và sự hưởng ứng của những người bạn. Từ nguồn hỗ trợ của bạn bè, các nhà hảo tâm, vợ chồng thầy Bá trích tiền lương và thời gian, công sức để tổ chức bữa ăn sáng cho học trò vùng cao này.

Ngày 9/4, bữa sáng miễn phí đầu tiên cho học sinh nghèo trên địa bàn được triển khai. Ngay từ sáng sớm, hàng trăm học sinh đã tập hợp ngay ngắn, trên tay cầm phiếu ăn miễn phí. Gương mặt các em đều ánh lên sự vui mừng, thích thú trước những món ăn hấp dẫn.

Vợ chồng thầy Bá phục vụ bữa ăn sáng miễn phí cho các học sinh nghèo.

Đó thực sự là một ngày hội của các em học sinh nghèo. Bởi lẽ, thay vì những hôm phải mang bụng đói tới trường hay lót dạ bằng bát cơm nguội khô khốc, các em được ăn những suất ăn nóng hổi, thơm phức và đủ dưỡng chất cho hoạt động buổi sáng.

Để đảm bảo công bằng, danh sách 250 học sinh được các nhà trường trên địa bàn xét duyệt và gửi đến quán cơm. Tiêu chí để các em học sinh được ăn cơm miễn phí là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi.

Thay đổi thói quen để làm việc thiện

Để có bữa ăn sáng cho 250 học sinh, vợ chồng thầy Bá gần như phải thay đổi thói quen sinh hoạt. Họ phải dậy từ 4h giờ sáng để nấu nướng, chuẩn bị mọi công việc để khi các học sinh đến, những món ăn đã chuẩn bị xong. Bữa sáng chỉ kéo dài 45 phút, nhưng trước đó là nhiều tiếng đồng hồ vợ chồng thầy Bá thức khuya, dậy sớm quán xuyến công việc.

Đó là về thời gian, còn về thực phẩm, thầy Bá cùng vợ phải chuẩn bị từ chiều hôm trước. Thực phẩm được người thầy giáo này đích thân lựa chọn kỹ càng, đảm bảo các điều kiện chất lượng cũng như an toàn vệ sinh.

Đợt này ở Nghệ An đang có dịch tả lợn châu Phi, dù xã Nghĩa Dũng không nằm trong vùng dịch nhưng để đảm bảo nguồn thực phẩm, thầy Bá mua lợn về tự làm thịt, trữ đông để nấu. Người giáo viên này cho hay, trừ các chi phí nấu nướng, mỗi suất ăn trị giá 5.000 đồng nhưng luôn được thay đổi, đa dạng như bánh mì kẹp thịt, xôi giò, xôi trứng, mì tôm xào thịt… đảm bảo các em đủ no.

Theo tính toán của thầy Bá, để tổ chức mỗi bữa ăn sáng, mức chí phí là 1,5 triệu đồng. Một năm học 35 tuần, tổng kinh phí để tổ chức bữa ăn sáng cho 250 em học sinh là hơn 52 triệu đồng. Với mức lương của hai vợ chồng, chi tiêu sinh hoạt và lo cho 2 con ăn học, để duy trì bếp ăn cho các em học sinh là điều không dễ dàng.

Chia sẻ về những trăn trở của mình, thầy Bá bộc bạch, vì nguồn kinh phí có hạn nên cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của các em. Trong quá trình triển khai, cũng có phụ huynh không hiểu, cho rằng chúng tôi chưa công bằng vì nghĩ rằng chương trình này dành cho tất cả các em học sinh trong trường.

Những điều đó khiến vợ chồng tôi hết sức áy náy nhưng sức mình có hạn. Biết là sẽ rất khó nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mỗi tuần 1 bữa sáng miễn phí cho các em trong năm học tiếp theo và cố gắng để càng nhiều em được hỗ trợ ăn sáng càng tốt.

Nói về việc làm của vợ chồng thầy Lương Văn Bá, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Dũng Hợp cho biết, hoạt động tổ chức bữa ăn sáng của vợ chồng thầy Lương Văn Bá, cô Phạm Thị Thêu rất đáng được ghi nhận. Có gần 100 học sinh Trường THCS Dũng Hợp được thụ hưởng chương trình này. Tuy mỗi tuần 1 bữa cơm nhưng đã động viên, khích lệ các em rất nhiều.

Tìm thấy thi thể người đàn ông bị vùi lấp do sập giếng ở Nghệ An

Tác giả: Kim Long

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP