Kinh tế

Vì sao nên chọn làm đường sắt Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 250km/h?

Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện phương án làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tốc độ thiết kế 250km/h, kết hợp chở hàng, chở khách thay cho phương án có tốc độ thiết kế 350km/h, chỉ chở khách.

Đường sắt cao tốc tại Nhật Bản - Ảnh minh họa: T.N.

Siêu dự án cần cơ chế đặc biệt

Kết luận mới nhất về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Hội đồng thẩm định nhà nước chỉ ra rằng dự án chỉ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả về kinh tế và không lệ thuộc vào công nghệ của một nước nào đó khi được xây dựng với tốc độ thiết kế 250km/h, tốc độ khai thác 225km/h, khai thác hỗn hợp chở khách và chở hàng.

Theo Hội đồng thẩm định nhà nước, với các phương án đang được Bộ Giao thông vận tải đề xuất thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dù được đầu tư theo phương án nào thì cũng có tổng vốn đầu tư rất lớn, từ 61 - 64,6 tỉ USD. Con số này tương đương 15,2% - 16,1% quy mô GDP hiện nay của nền kinh tế, khoảng 400 tỉ USD.

Trong đó phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tốc độ thiết kế 250km/h, tốc độ khai thác 225km/h, kết hợp chở khách và chở hàng có tổng vốn đầu tư 61 tỉ USD; phương án có tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h, có tổng vốn đầu tư 64,6 tỉ USD.

Hội đồng thẩm định nhà nước khẳng định đây là dự án tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, cần cơ chế chính sách đặc biệt, bổ sung hàng loạt cơ chế, chính sách để thực hiện dự án như: Luật phát triển đường sắt tốc độ cao; Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến Luật phát triển đường sắt cao tốc; chính sách phát triển đô thị ở vùng phụ cận các ga đường sắt tốc độ cao; cơ chế giao đất, giải phóng mặt bằng; cơ chế huy động vốn cho dự án…

Hệ thống đường sắt Bắc - Nam hiện hữu đã quá lạc hậu - Ảnh: M.H

Hiệu quả kinh tế

Ngoài lo ngại về việc đề xuất dự án thực hiện trong thời gian quá dài đến năm 2050 sẽ không kiểm soát được tổng vốn đầu tư dự án, Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ hiệu quả kinh tế khi đầu tư dự án.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn thẩm tra dự án - liên danh tư vấn Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông vận tải - Công ty TNHH Evo mc - Công ty One Arup & Partners Hong Kong Limited - Công ty CP tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú, nếu đề xuất đầu tư theo phương án tốc độ thiết kế 350km/h, chỉ chở khách sẽ không bảo đảm tính khả thi và hiệu quả kinh tế dự án.

Nguyên nhân tuyến chỉ khai thác được 31,5% công suất khi đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2050, giá vé đi đầu dự kiến 1.259 đồng/km/hành khách, tương đương 1.943.896 đồng/hành khách cho một chiều chặng Hà Nội - TP.HCM, tương đương giá vé máy bay hạng phổ thông, là khó cạnh tranh để đảm bảo nguồn thu.

Doanh thu tối đa từ hành khách khoảng 3,7 tỉ USD/năm, sẽ không bảo đảm cân đối doanh thu - chi phí, Chính phủ sẽ phải bù lỗ, Hội đồng thẩm định nhà nước nhấn mạnh.

Nhưng nếu đầu tư theo phương án có tốc độ thiết kế 250km/h, tốc độ khai thác 225km/h, kết hợp cả chở khách với chở hàng thì dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ khả thi, bảo đảm hiệu quả kinh tế. Dự án sẽ có lãi khi thông tuyến vào năm 2041, với doanh thu năm đạt 10,4 tỉ USD, chi phí khoảng 7,3 tỉ USD, lợi nhuận đạt 3,1 tỉ USD.

Giảm lệ thuộc công nghệ

Về lựa chọn tốc độ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem lại các vấn đề như hiện nay chỉ những nước làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao mới chọn phát triển dự án có tốc độ chạy tàu trên 300km/h, trong khi đường sắt Việt Nam đang lạc hậu cả về công nghệ và dịch vụ vận tải.

Chính phủ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đều phải bù lỗ cho các dự án đường sắt có tốc độ chạy tàu trên 300km/h chỉ vận tải hành khách.

Riêng với Đài Loan, việc phát triển đường sắt cao tốc phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của Nhật Bản dẫn đến hệ lụy lớn trong giai đoạn vận hành, khai thác. Khi cần mua thêm đoàn tàu thì bị ép giá khi đàm phán với đối tác cung cấp đầu máy, toa xe.

Vì thế, đơn vị tư vấn thẩm tra dự án cho rằng việc lựa chọn vận tốc thiết kế 250km/h, khai thác hỗn hợp chở khách, chở hàng và lựa chọn công nghệ mở sẽ giúp dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có thể lựa chọn nhà cung cấp thiết bị, đoàn tàu cạnh tranh, tăng cơ hội nội địa hóa các thiết bị, cấu kiện dự án.

Bên cạnh đó, đơn vị tư vấn cũng khuyến nghị Bộ Giao thông vận tải nên áp dụng bộ tiêu chuẩn châu Âu cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để bảo đảm các yếu tố đặc tính: phổ biến, cạnh tranh cao, kết nối thuận lợi, tích hợp với các dự án trong khu vực ASEAN, Trung Quốc.

Theo đề xuất, nếu đầu tư theo phương án thiết kế 250km/h, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có chiều dài 1.508,6km, khổ đường đôi 1.435mm, với 50 ga hành khách, 20 ga hàng hóa, điểm đầu ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối ga Thủ Thiêm (TP.HCM).

Tác giả: Bảo Ngọc

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: Bắc Nam ,cao tốc ,thiết kế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP