Trong nước

Vì sao 90% nạn nhân bị lừa đảo qua mạng là phụ nữ?

Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa lý giải vì sao đa số các nạn nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng là phụ nữ, người già, người lao động tự do.

Chiều 10/12, Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Trong phiên chất vấn Thiếu tướng Trần Phú Hà - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, nhiều đại biểu đưa ra các ý kiến về vấn đề thực hiện đồng bộ hóa các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo qua không gian mạng.

Đa số các đại biểu nêu ý kiến, đề nghị Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa nêu rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng, để nhân dân biết và phòng ngừa; đưa ra giải pháp giảm thiểu nạn nhân của loại tội phạm này.

Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đối tượng bị lừa đảo trên không gian mạng chiếm 90% là nữ, chủ yếu là ở nhà. Công an tỉnh đã thực hiện tuyên truyền nhưng vẫn bị lừa, vậy giải pháp nào để giảm thiểu tình trạng trên?", một đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu nêu ý kiến tại phiên chất vấn (Ảnh: M.H.).

Tiếp thu các ý kiến, thắc mắc của đại biểu và cử tri, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, đa số tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản chủ yếu lợi dụng sơ hở trong một số hoạt động kinh doanh, công tác quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực như giới thiệu đất dự án, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chạy dự án, chạy việc làm, hưởng chế độ chính sách…

Về lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Thiếu tướng Hà cho biết một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng là lợi dụng các giao dịch, kết nối trên internet, mạng xã hội, mạng viễn thông, sau đó giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông để liên lạc với bị hại rồi thực hiện hành vi lừa đảo.

Thiếu tướng Trần Phú Hà - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn (Ảnh: M.H.).

Bên cạnh đó còn một số phương thức khác như lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, lừa đảo vay vốn qua các ứng dụng, lừa đảo trúng thưởng, đặt cọc mua hàng qua mạng…

Về nguyên nhân dẫn đến việc 90% nạn nhân bị lừa đảo là phụ nữ, chủ yếu là lao động tự do, ông Hà lý giải: "Do một bộ phận người dân đặc biệt là phụ nữ, người cao tuổi, còn nhẹ dạ cả tin hoặc thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật, đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, khi bị lừa đã không kịp thời trình báo cơ quan chức năng".

Để ngăn chặn tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thiếu tướng Trần Phú Hà cho biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần phối hợp tập trung rà soát, nắm chắc tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, tham gia hụi phường để tổ chức điều tra truy tố, xét xử đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động lừa đảo, bảo đảm xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cũng khuyến cáo và đề nghị người dân trong tỉnh tiếp tục tìm hiểu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, nắm bắt phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản để phòng ngừa; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng không rõ danh tính, kịp thời trình báo cơ quan công an sau khi bị lừa đảo.

Ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại kỳ họp (Ảnh: M.H.).

Theo ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, ngay sau kỳ họp này, UBND tỉnh, Công an tỉnh, các cấp các ngành sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện sâu rộng và có hiệu quả việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Đồng thời tăng cường phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng chống tội phạm nói chung và phòng ngừa tố giác, đấu tranh có hiệu quả với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong sở hữu tài sản.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 về Tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, chủ công là Công an tỉnh triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp đấu tranh đối với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ ngày 15/12/2021 đến 5/11/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Trong đó có 40 vụ lừa đảo truyền thống, chiếm tỷ lệ 30,3%; lừa đảo trên không gian mạng xảy ra 92 vụ chiếm tỷ lệ 69,7%, giảm 20 vụ so với năm 2021.

Tác giả: Thanh Tùng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP