Bước qua tháng Giêng, tiết trời ở Nghệ An đang lúc giao mùa nên hôm nắng nóng oi bức, lúc lại mưa dầm dề mấy hôm liền, thế nhưng vẫn không ngăn nỗi những bước chân của các đội “phu keo”. Những ngày qua, dọc triền đồi các xã miền núi như Mã Thành, Tiến Thành, Hùng Thành, Đồng Thành… huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An, đâu đâu cũng văng vẳng tiếng máy cưa loẹt xoẹt cắt keo để chuẩn bị cho vụ trồng mới.
Những “phu keo” chuyền tay nhau từng khúc cây để bốc lên xe. |
Những đội quân “phu keo” dường như đã quen với từng phần việc phải làm. Ai ai cũng đôi tay thoăn thoắt, mỗi người mỗi phần việc, người chặt cành, người bóc vỏ, người bốc xếp lên xe ô tô tải đang đỗ sẵn. Ai cũng muốn làm thật nhanh để có thể nhanh chóng trở về nhà nghỉ ngơi còn tiếp tục công việc ngày hôm sau.
Bắt gặp trên ngọn thoai thoải ở xã Mã Thành huyện Yên Thành, dù cây keo đang non, nhưng được giá nên chủ rừng vẫn đồng ý bán cho các các chủ thu mua.
Đội quân “phu keo” này gồm 6 người. Người nhiều tuổi nhất đã ngoài lục tuần, còn lại độ 30–40 tuổi trở lại. Hết Tết, kẻ vào Nam người ra Bắc, cấy vụ mùa cũng đã làm trong năm. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, những người mới cũng muốn được theo chân phu keo lâu năm đi làm thuê để kiếm thêm đồng ra, đồng vào.
Phu keo là phụ nữ cũng cần cù chịu khó không kém đàn ông. |
“Tôi đi làm ngày cũng được trả công khoảng 230.000 nghìn đồng, nhưng không phải lúc nào cũng có việc. Biết là công việc nặng nhọc, không phù hợp với phụ nữ, nhưng không có nghề phụ, đất canh tác ít nên chị em chúng tôi phải cố gắng làm để nuôi con ăn học” – Chị Phạm Thị Hải, nữ “phu keo” xã Mã Thành chia sẻ về nghề của mình.
Công việc của đội “phu keo” thường bắt đầu từ sáng sớm tới chiều muộn. Ngoài những dụng cụ mang theo để phục vụ không thể thiếu như máy cưa, rựa… họ còn mang theo nước uống, sữa hay bánh kẹo để ăn tạm lấy sức. Có những chuyến đi xa, đội phu keo còn đem theo cơm, hoặc bánh mì và tổ chức ăn trưa tại chỗ luôn cho tiện.
Sau một ngày làm việc cật lực, có vẻ ai cũng thấm mệt, từng vạt lưng ai nấy đều ướt sũng mồ hôi. Nhưng họ vẫn chuyện trò vui vẻ với nhau, để quên đi mệt nhọc.
Trên quả đồi nhỏ, những đôi tay cứ vậy làm việc nhịp nhàng, nhanh thoăn thoắt, chỉ một lúc những cây keo được chặt hạ trải từ triền đồi lên dần tới đỉnh.
Mỗi ngày với một “đội” 7-10 người sẽ bốc được từ 10 đến 12 tấn keo lên xe cơ giới. Điều dễ nhận thấy đó là đội “phu keo” không chỉ có đàn ông, mà phụ nữ cũng tích cực tham gia bằng sự cần cù chịu khó và lòng kiên trì của mình, dù với họ sức khỏe không thể bằng đàn ông.
Những khúc keo to, đã được cắt dài gần bằng thân người “phu keo”. Từng khúc keo vừa được cắt hạ khá nặng, nhưng vẫn được họ thoăn thoắt chuyền tay nhau để bốc lên xe đang chờ sẵn.
Đôi vợ chồng trú xã Tiến Thành huyện Yên Thành tuổi mới đầu ba nhưng đã là những phu keo lâu năm ở xã này. Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Nhân Tiến) cho biết: “Lúc đầu mỗi chồng đi làm cùng mọi người, còn vợ ở nhà trông con và lo cơm nước.
Khi con đầu đến tuổi cho đi học, hai vợ chồng bàn bạc nhau rồi nhờ ông bà trông giúp đứa sau để đi làm cùng, nhiều hôm tối mịt mới về nhà lại lọ mò chuẩn bị lo cơm nước. Cũng thấy nghề vất vả lắm, nhưng phải cố gắng thôi”.
Đi làm nghề, chiếc cưa cắt cây là dụng cụ không thể thiếu của đội “phu keo”. |
Những phu keo ở đây cho biết, vất vả đã đành, cái nghề này rủi ro không ít, nhẹ thì trầy xước, vẹo vai nặng hơn thì gãy tay do bốc vác cây, thậm chí có người còn bị cây đổ đè trúng, hay lao keo từ đỉnh dốc xuống không may va phải dẫn tới tử vong. Biết cái nghề này vất vả và rủi ro không ít, nhưng vì miếng cơm, manh áo, vẫn ngày càng có nhiều đội phu keo làm hơn.
Theo lãnh đạo xã Tiến Thành, huyện Yên Thành cho biết, vốn là xã miền núi, đất nông nghiệp ít, đất rừng nhiều, đời sống của người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Những lúc nông nhàn, nhiều đội phu keo lại rủ nhau lên rừng làm nghề bốc vác keo, tràm để tăng thêm thu nhập.
Tác giả: Gia Ân-Đức Chung
Nguồn tin: congly.vn