Số hóa

Vẫn dễ dàng để mua được SIM rác của các nhà mạng

Trong vài năm trở lại đây, Bộ TT&TT và các nhà mạng đã liên tiếp có những biện pháp mạnh nhằm hạn chế SIM rác. Tuy nhiên, tới hiện tại, người dùng vẫn có thể mua được những SIM loại này đang bán công khai trên thị trường.

Không khó để mua được SIM rác

Mới đây, Bộ TT&TT và các nhà mạng đã tổ chức đợt chuẩn hóa thông tin cho hơn 3,5 triệu thuê bao di động nhằm khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây được xem là một trong những biện pháp mạnh tiếp theo nhằm hạn chế vấn nạn SIM rác đang “hành hạ” người dùng trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, ở ngoài thị trường, việc sở hữu một chiếc SIM dạng này là tương đối dễ dàng.

Người dùng dễ dàng mua được SIM rác tại các cửa hàng như thế này

Ghé vào một cửa hàng tại “phố SIM” Kim Mã (Hà Nội), phóng viên Kinh tế & Đô thị đã nhận được những lời chào mời khá nhiệt tình của chủ cửa hàng. Theo đó, chỉ với 170.000 đồng là đã có thể sở hữu một SIM Vinaphone có sẵn gói data 4GB/ngày, miễn phí 2000 phút gọi nội mạng và 100 phút gọi ngoại mạng. SIM tương tự của MobiFone và Viettel cũng có giá tương đương, trong khi đó SIM của Vietnamobile là rẻ nhất với giá 80.000 đồng.

Đáng chú ý, người mua không cần phải xuất trình CMTND/CCCD như quy định mà chỉ cần trả tiền và lấy SIM về. Việc kích hoạt SIM được chủ cửa hàng thực hiện thông qua một thiết bị có kết nối với smartphone. Toàn bộ quá trình này chỉ mất khoảng 5 phút là SIM đã có thể sử dụng.

Không chỉ vậy, người dùng cũng có thể dễ dàng mua được những SIM tương tự như trên nhưng đã được kích hoạt sẵn và còn nguyên trong thẻ Card. Những SIM dạng này tương đối “thuận tiện” khi mua cái là có thể sử dụng ngay mà không phải phụ thuộc vào bên bán. Và mức giá cũng phổ biến từ tầm 70.000 đồng/SIM cho đến hơn 1 triệu đồng/SIM.

Thắc mắc lý do về việc tại sao những SIM trên người mua không phải khai báo thông tin cá nhân, một chủ cửa hàng cho biết, đây đều là các SIM mà điểm bán đã đăng ký trước với nhà mạng. Điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và phiền hà đối với người dùng.

Cầm trên tay chiếc SIM MobiFone vừa mới mua, phóng viên đã kiểm tra qua tổng đài và được biết số này hiện đã được đăng ký thông tin thuê bao đầy đủ và tất nhiên là dưới thông tin của người khác.

Lý giải về tình trạng trên, đại diện một nhà mạng cho biết, không giống như tại các điểm giao dịch của nhà mạng hay chuỗi cửa hàng lớn như FPT, Thegioididong, tại những đại lý và cửa hàng nhỏ lẻ, việc khai báo thông tin cá nhân đều bị bỏ qua nhằm kiếm thêm khách hàng. Những SIM loại này thường được các đại lý “ôm” với số lượng lớn trước đây và buộc phải kích hoạt theo yêu cầu nhà mạng. Do đó chúng được đại lý, cửa hàng sử dụng thông tin để kích hoạt các gói khuyến mại lớn để bán cho người dùng kiếm lời.

Ở thời điểm hiện tại, theo quy định, một người dùng có thể đứng tên nhiều SIM khác nhau của cùng một nhà mạng, con số này có thể lên tới cả nghìn SIM. Chính kẽ hở này đã được các đại lý, cửa hàng lợi dụng nhằm đăng ký cả “lô” SIM dưới tên một cá nhân mà không hề vi phạm pháp luật, đại diện nhà mạng lý giải.

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, tính đến tháng 10/2022, trên cả nước đang có 5.710 cá nhân sở hữu hơn 100 SIM và có 261 cá nhân sở hữu hơn 1.000 SIM.

Thanh tra người dùng đứng tên nhiều SIM

Mới đây, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi tới các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động. Công văn này nêu rõ, trong thời gian vừa qua, hoạt động mua bán SIM rác vẫn diễn ra phổ biến, thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn SIM không rõ mục đích sử dụng.

Cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên sẽ nằm trong diện bị thanh tra

Bộ TT&TT yêu cầu các Sở TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương triển khai đợt thanh tra diện rộng hoạt động quản lý, đăng ký, lưu trữ thông tin thuê bao trên địa bàn quản lý của sở, cụ thể như sau: thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu lớn bất thường.

Đối tượng của đợt thanh tra này gồm các chi nhánh của nhà mạng cung cấp dữ liệu đăng ký sử dụng số lượng SIM điện thoại lớn, có dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký sử dụng từ 50 SIM trở lên, cá nhân sử dụng từ 20 SIM trở lên.

Ngoài ra, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng SIM lớn nhất cũng nằm trong diện thanh tra.

Ngoài ra, khi thấy cần thiết, Sở TT&TT có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bổ sung dữ liệu hoặc thêm các tiêu chí khác để phục vụ công tác thanh tra. Đối với việc đăng ký sử dụng SIM điện thoại số lượng lớn, có dấu hiệu bất thường từ dữ liệu được cung cấp, kiểm tra các dấu hiệu để xử lý vi phạm các doanh nghiệp viễn thông, các tổ chức cá nhân liên quan như các SIM điện thoại có thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao, ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau hoặc tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông khác nhau.

Bộ TT&TT cũng yêu cầu các Sở TT&TT mời các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn bất thường đến làm việc, cùng với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp viễn thông di động. Trường hợp chủ thuê bao không làm rõ được các SIM này đang ở đâu hoặc việc sở hữu các số thuê bao, lập biên bản và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin thông báo cho người sử dụng thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông theo quy định nếu chủ thuê bao không thực hiện.

Trường hợp có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký sử dụng SIM điện thoại với số lượng lớn, Sở TT&TT xây dựng phương án phân cấp, hướng dẫn, đề nghị UBND quận huyện chỉ đạo phòng văn hóa thông tin, phối hợp với UBND phường xã yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân nói trên đến làm việc để xác minh, làm rõ. Sau đó, gửi kết quả nếu các SIM điện thoại không do chính chủ thuê bao sử dụng để sở TT&TT yêu cầu doanh nghiệp viễn thông đình chỉ cung cấp dịch vụ hoặc nhắn tin cho chủ thuê bao đăng ký lại thông tin theo quy định.

Đối với thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với số lượng lớn thực hiện tương tự trên, Sở TT&TT chỉ đạo kiểm tra các trường hợp thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác, có cùng thông tin thuê bao và ảnh chụp giống nhau nhưng được tái sử dụng để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung ở các thời điểm khác nhau.

Tác giả: Hà Thanh

Nguồn tin: tieudung.kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP