Số hóa

Ứng dụng thực tế ảo phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ

Đột quỵ là nguyên nhân thứ 3 gây khuyết tật. Việc ứng dụng công nghệ cao vào điều trị phục hồi chức năng giúp người bệnh có cơ hội phục hồi tốt hơn

Chiều 16-11, tại hội nghị khoa học "Cập nhật các phương pháp giáo dục hiện đại và chăm sóc người bệnh an toàn", diễn ra trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai (1968 - 2023), nhiều tiến bộ mới trong việc chăm sóc người bệnh đã được các bác sĩ và điều dưỡng chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trang Linh, Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong và là nguyên nhân thứ 3 gây khuyết tật. Khoảng 60% biểu hiện suy giảm vận động và cần ít nhất một phần hỗ trợ trong các hoạt động thường nhật. Giảm chức năng vận động đặt ra thách thức với chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ứng dụng phương pháp thực tế ảo tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ

Hiện chuyên ngành phục hồi chức năng trên thế giới đang tiến triển vượt bậc, trong đó ứng dụng được các kỹ thuật cao, tiên tiến như tập luyện trên hệ thống máy mô phỏng thực tế ảo.

Đây là kĩ thuật sử dụng trên máy tính cho phép tất cả người dùng sử dụng tương tác với môi trường kích thích đa giác quan và nhận lại phản hồi trên thời gian thực. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tập mô phỏng theo thực tế ảo có thể tạo thuận cho phục hồi sau đột quỵ, thúc đẩy các cơ chế tái cấu trúc của não với tính linh hoạt và dễ kích thích của vỏ não.

"Kết quả sau 3 tuần liên tiếp, mỗi tuần 5 ngày với thời gian 20 - 30 phút tập luyện trên máy thực tế ảo phối hợp với chương trình phục hồi chức năng, 60 bệnh nhân được nghiên cứu, đánh giá, cho thấy hơn 83% bệnh nhân đột quỵ não đã cải thiện chức năng vận động và sức bền chi trên"- bác sĩ Linh thông tin.

Tập luyện trên hệ thống máy thực tế ảo có thể tạo thuận cho phục hồi sau đột quỵ

Giới chuyên môn đánh giá việc tập luyện trên hệ thống máy mô phỏng thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, tập luyện trên hệ thống máy robot... giúp chuyên ngành phục hồi chức năng có thêm những công cụ hỗ trợ hiệu quả như: Tạo lập chương trình phục hồi cá nhân hóa; giám sát tiến trình phục hồi; dự đoán kết quả phục hồi.

Hiện các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng từ 15-20% nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng, nhưng hoạt động này chưa được quan tâm và phát triển để đáp ứng nhu cầu.

Bộ Y tế cho biết đang đưa các quy trình mô phỏng thực tế ảo trong điều trị bệnh vào danh mục các kỹ thuật để lấy ý kiến và xây dựng giá dịch vụ, hy vọng có thể sớm triển khai tại các cơ sở y tế nhằm nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho người bệnh.

Tác giả: D.Thu

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP