Giáo dục

Trường Đại học Y Hà Nội tăng học phí tới 70%: Sinh viên phản ứng ra sao?

Gần đây, trường Đại học Y Hà Nội đã ra quyết định tăng học phí đối với tất cả các ngành học ít nhất 10%, cao nhất tới hơn 70% khiến nhiều sinh viên lo lắng, hoang mang.

Từ lâu, trường Đại học Y Hà Nội được coi là cái nôi trong việc đào tạo các y, bác sỹ và nhân viên làm việc trong ngành y tế. Nằm trong top những trường đại học lấy điểm đầu vào cao nhất cả nước và trường trọng điểm quốc gia. Trường Đại học Y Hà Nội được trang bị chương trình đào tạo tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại cùng đội ngũ đào tạo bài bản. Thống kê cho thấy trên 90% sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Mới đây nhất, trường Đại học Y Hà Nội đã phê duyệt quyết định tăng học phí ít nhất 10% đối với tất cả các ngành học. Cá biệt có ngành tăng học phí tới 70%. Cụ thể, Các ngành Răng - Hàm - Mặt và khối ngành Y Dược sẽ có mức học phí là 2,45 triệu đồng/tháng; khối ngành Sức khỏe sẽ có học phí là 1,85 triệu đồng/tháng; ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 3,7 triệu đồng/tháng.

Trường Đại học Y Hà Nội quyết định tăng học phí vào năm học tới.

Lo lắng, hoang mang về kinh tế

Sau khi được thông báo về việc tăng học phí trong năm học sắp tới, rất nhiều sinh viên trường Đại học Y Hà Nội đã bày tỏ ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng việc tăng học phí 70% gây nên cú sốc.

Bạn Linh (sinh viên năm cuối hệ Bác sĩ đa khoa) đang chuẩn bị cho kỳ thi Nội trú. Linh cho biết, năm nay học phí cho chương trình bác sĩ nội trú là 37 triệu đồng/năm. Nhưng đó chỉ là bước đệm, năm sau, học phí sẽ tăng lên 100 triệu đồng/năm.

Việc học phí tăng cao khiến nữ sinh này suy sụp, khó khăn trong việc đưa ra quyết định nên tiếp tục hay bỏ dở ước mơ.

Tương tự, bạn Nam (sinh viên năm cuối hệ Bác sĩ đa khoa) bộc bạch, trường tăng học phí khiến không chỉ bạn mà cả gia đình thêm gánh nặng. Bố mẹ Nam thuộc diện khó khăn, vất vả chu cấp cho bạn đến năm thứ 6 đại học, sắp tới phải đóng học phí thêm 3 năm nội trú nữa.

Việc học phí tăng mạnh khiến Nam cảm thấy hoang mang. Nam chia sẻ trong tương lai bạn sẽ phải gác lại giấc mơ làm bác sĩ nội trú và xin về bệnh viện ở huyện để công tác.

Nên tăng học phí với các khóa mới để sinh viên có sự chọn lựa

Quỳnh Trang (sinh viên năm 2 ngành Khúc xạ nhãn khoa) cho biết, việc tăng học phí đối với tất cả các ngành khiến sinh viên bất ngờ, không kịp trở tay.

Trang chia sẻ :"Gia đình em vẫn có thể lo được vì chỉ tăng so với năm ngoái 1-2 triệu đồng/năm. Nhưng đối với nhiều gia đình làm nông và có hoàn cảnh khó khăn, con số đó sẽ tăng thêm gánh nặng".

Cá nhân Trang cho rằng nhà trường nên tăng học phí vào những khóa học mới sẽ phù hợp hơn, giúp thí sinh quyết định xem có nên nộp hồ sơ vào trường hay không, căn cứ theo điều kiện kinh tế của mỗi người, mỗi gia đình.

Nữ sinh này cho biết thêm, sinh viên ngành y sau khi ra trường, đi làm tại bệnh viện công lương không cao. Dựa vào thời gian, công sức và tiền bạc mà sinh viên cùng với gia đình bỏ ra, Trang cảm thấy việc tăng học phí trở nên bất cập.

Tăng học phí là động lực để sinh viên nỗ lực hơn

Còn theo Cẩm Ly, sinh viên năm thứ 4 ngành Xét nghiệm y học, sau khi nghe quyết định tăng học phí, bạn đã có thể tự đưa ra kế hoạch cải thiện tài chính cá nhân. Ngành của Ly đang theo học tăng học phí khoảng 30%, vì vậy cô sẽ cố gắng đi làm thêm, làm gia sư để bù vào mức tăng học phí.

Ly chia sẻ, bạn cảm thấy việc tăng học phí là hợp lý và phù hợp để phát triển chương trình đào tạo của trường. Bên cạnh đó việc tăng học phí cũng là tiền đề giúp sinh viên nỗ lực, chăm chỉ hơn nhằm đạt học bổng, vì số lượng học bổng được trao mỗi năm rất ít, chỉ trong khoảng 10-15% tổng số sinh viên mỗi ngành học.

Thêm nữa, việc học cải thiện điểm sẽ tốn thêm chi phí, đó cũng động lực nhằm giúp các bạn phấn đấu, cố gắng đạt mục tiêu trong học tập hơn.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Tác giả: Khánh Hoài

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP