Trong nước

Tiếp vụ Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh bị kỷ luật Đảng: Thêm nghi vấn về tài chính

Sau khi Tiền Phong đăng hai bài về những sai phạm dẫn tới án kỷ luật của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, một số hội viên đặt thêm nghi vấn về các vấn đề chưa được làm rõ quanh công tác tài chính của Hội, liên quan đến Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh Nghệ thuật Việt Nam trực thuộc Hội.

MỘT VỤ TỪ CHỨC KHÁC

Ông Phạm Tiến Dũng, nguyên Trưởng Ban Lý luận Phê bình của Hội nhận xét, phần lớn nội dung bài báo của Tiền Phong đã được kết luận trong quyết định kỷ luật ông Vũ Quốc Khánh: “Lần đầu tiên có một Chủ tịch Hội bị kỷ luật như vậy thật đáng buồn. Gây ra tất cả những chuyện đấy, tôi cho chính là do sự thiếu dân chủ, mất đoàn kết trong Hội. Mà cái đấy thuộc trách nhiệm của Chủ tịch là chính. Chủ tịch phải là người lãnh đạo, đoàn kết anh em, biết lắng nghe những đóng góp thẳng thắn. Lãnh đạo Hội phải tạo điều kiện cho mọi người cùng làm việc, cùng đóng góp cho sự phát triển của Hội, chứ sao lại vô hiệu hóa người này người khác bằng cách không giao việc cho họ. Hội viên nói chung đều tích cực hoạt động Hội, nếu có gì lùm xùm thì ở văn phòng Hội là chính thôi. Lãnh đạo Hội đương nhiên phải chịu trách nhiệm những chuyện đó”.

Có ý kiến cho rằng tòa nhà VAPA phải là nơi trưng bày cố định các tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh

Ông Phạm Tiến Dũng trước đây là TBT Báo ảnh Việt Nam,Trưởng BBT Ảnh TTXVN, sau khi về hưu được ông Khánh mời về làm TBT tạp chí Nhiếp ảnh bản giấy và trực tuyến của Hội. Theo đề nghị của Thường vụ Hội về phát triển phiên bản điện tử của tạp chí, năm 2017 ông Dũng bỏ 6 tháng để hoàn thành việc này. Được 4 năm thì ông Khánh lại “mời” ông Dũng không làm nữa, lý do: Hội hết tiền để hoạt động, báo cần được xã hội hóa… Trong khi Hội chỉ mất hơn 5 triệu/tháng để trả lương cho TBT. Từ bấy đến nay tạp chí do quyền TBT Sỹ Minh được ông Khánh mời từ Nghệ An ra điều hành. Ông Dũng do đó cũng xin thôi làm Trưởng ban Lý luận Phê bình luôn vì không còn điều kiện theo sát những hoạt động của Hội nữa.

Về cựu Chánh văn phòng Hội Hồng Định, ông Dũng nhận xét: “Anh Định có làm được việc hay không do điều hành của Chủ tịch. Thời gian đầu tôi thấy anh Định làm việc tốt. Sau này mâu thuẫn với Chủ tịch thế nào đó, Chủ tịch không giao việc thì mới bảo anh Định không làm được việc”.

Không trung thực trong hồ sơ là một lý do nữa khiến Hồng Định bị miễn chức và kỷ luật. Ông Dũng nhận định: “Khi anh Khánh chọn anh Định về thì phải xem xét lý lịch chứ.. Nhận về rồi mới biết lý lịch có vấn đề thì đó là lỗi của người nhận và người thẩm tra. Theo anh Bùi Hỏa Tiễn thì việc nhận anh Định về làm Chánh văn phòng Hội mà không thông qua thường vụ Hội và báo cáo chi bộ cũng là một cái sai nữa của anh Khánh”.

TRANH LUẬN VỀ ÁN KỶ LUẬT

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng Chi hội 6 tại TPHCM cho rằng bài báo trên Tiền Phong đã giải đáp được những khúc mắc trong hội viên về vụ từ chức của Phó Chủ tịch Bùi Hỏa Tiễn.

Trước luận điểm của ông Khánh: bị kỷ luật ở cương vị bí thư một chi bộ trong Hội thì không liên quan gì đến quản lý Hội, các hội viên khi được hỏi ý kiến đều không đồng tình. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo: “Kỷ luật Đảng thế nào thì chính quyền cũng phải hình thức tương đương. Sai phạm của anh, Ban Kiểm tra của Đảng ủy đã kết luận: Quản lý yếu kém, buông lỏng, nhận người không qua cấp ủy, gây mất đoàn kết nội bộ kéo dài… Đó là thuộc về chính quyền. Riêng về mặt Đảng, anh không tổ chức sinh hoạt Đảng trong thời gian dài như thế mà kỷ luật mức cảnh cáo còn nhẹ”.

Không gian triển lãm của Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh Nghệ thuật của Hội NSNA Việt Nam. Ảnh: VAPA

“Chi bộ văn phòng Hội có vai trò lãnh đạo nội dung tư tưởng hoạt động Hội, cho nên bị kỷ luật Đảng cũng liên quan đến hoạt động Hội”, ông Dũng nói. “Đã bị kỷ luật về Hội hay Đảng thì đều không đủ tư cách để tham gia Đại hội toàn quốc. Vì Chủ tịch Hội là người điều hành dưới sự chỉ đạo của Đảng, nếu đã bị kỷ luật Đảng làm sao anh đủ tư cách để điều hành ĐH được”.

Ông Bảo đặt vấn đề “lỗi hệ thống” trong các sai phạm của ông Khánh: “Ngoài trách nhiệm của Chủ tịch thì trách nhiệm của Ban thường vụ không hề nhỏ. Nếu thường vụ cứng rắn thì Chủ tịch không thể nào có sai sót như vậy”.

Ông Bảo cũng tỏ ý nghi ngờ sự công tâm của Ban Kiểm tra do ông Tạ Hoàng Nguyên dẫn đầu trong vụ kỷ luật gạch tên Kim Khoa rồi sau đó lại đưa trở lại, kế đó là vụ kỷ luật hụt Phạm Công Thắng. “Ông Thắng đưa đơn lên Ban Tuyên giáo, lên Đảng đoàn, tức khắc Trưởng Ban Kiểm tra Tạ Hoàng Nguyên ký quyết định điều ông Trần Quốc Dũng từ TPHCM bay ra mời ông Thắng làm việc, mục đích trù dập ông Thắng vì cho là ông Thắng bôi bác Chủ tịch. Nhưng những gì ông Thắng nói là đúng”, ông Bảo tiếp. “Chúng tôi bức xúc ngay với Ban Thường vụ. Kỳ tới hai Phó Chủ tịch xin rút thì thôi, nhưng cương vị còn lại của Tạ Hoàng Nguyên chúng tôi cảm thấy không phục. Nếu tiếp tục trong bộ máy lãnh đạo nữa thì Hội sẽ còn nhiều vấn đề sai trái”.

“ÐẤT VÀNG” VẪN BÁO LỖ?

Ông Vũ Văn Cảnh từng kinh qua nhiều vị trí tại Hội NSNA Việt Nam, từ Chánh văn phòng, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ, TBT tạp chí Nhiếp ảnh, Trưởng BTC Cán bộ và cả Bí thư Chi bộ. Ông lấy làm lạ vì bí thư bị kỷ luật cảnh cáo mà chi ủy viên vẫn là Đảng viên xuất sắc, chi bộ vẫn trong sạch vững mạnh.

Ông Vũ Văn Cảnh cho hay mình chính là người xin khu đất tại số 4 Tôn Thất Thuyết và kinh phí để xây nên Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm Ảnh Nghệ thuật của Hội. Theo ông Cảnh, cái sai nhất liên quan tới Trung tâm này của Chủ tịch Hội là: “Anh ấy vừa làm chủ tài khoản trên Hội, đồng thời chủ tài khoản Trung tâm. Tức là tiền của anh từ túi này bỏ sang túi kia, xong anh tiêu, xong tự anh ký, anh xin quyết toán với trên, anh lại duyệt. Cái đó là sai nguyên tắc. Mà trong thời gian không phải ngắn, ít nhất 7-8 năm”.

Theo ông Cảnh, Hội cứ cuối năm còn thừa khoảng “năm ba trăm triệu” (mỗi năm Hội được Nhà nước cấp cho khoảng 7 tỷ) lại chuyển xuống Trung tâm hết. Ông Cảnh tỏ ý băn khoăn: “Theo anh em nói cái gì cũng đưa xuống Trung tâm cả mà chả thấy xu nào nộp lên trên này”.

Được biết, tòa nhà VAPA (tên tắt tiếng Anh của Hội NSNA Việt Nam) chỉ dùng 3 tầng dưới để làm việc, còn lại từ tầng 4 đến tầng 8 đều cho thuê dài hạn. Hội trường tầng 9 cho thuê theo sự kiện. “Nhưng cho đến hôm nay không ai biết ở đó thu bao nhiêu tiền và chi trả thế nào, kể cả các Phó Chủ tịch hay Thường vụ, BCH. Nên tài chính chỗ đó không rõ ràng, minh bạch”, ông Cảnh nói. “Mà ông Khánh khi nhậm chức có phát biểu sẽ lấy minh bạch làm đầu”.

Từ TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Bảo thắc mắc: “Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm của Hội nằm trên đất vàng thủ đô mà có năm còn báo cáo lỗ, cấp trên phải chi tiền để sửa chữa máy lạnh. Vô lý”!

Tác giả: N.M.HÀ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP