Trong tỉnh

Tiền giả rao bán tràn lan trên mạng dịp gần Tết

Tình trạng rao bán tiền giả trên mạng xã hội lại nở rộ vào dịp cuối năm và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” dù cơ quan chức năng đã mạnh tay bắt giữ, xét xử nhiều đối tượng.

Thông tin rao bán tiền giả tràn ngập trên mạng xã hội facebook.

Tiền giả “lộng hành”

Chỉ cần vào mạng xã hội Facebook, gõ tìm kiếm từ khóa “mua tiền giả”, “tiền giả ở Nghệ An”… thì rất nhanh sau đó xuất hiện hàng loạt trang facebook đăng thông tin rao bán tiền giả. Hoạt động mua bán tiền giả trên mạng diễn ra khá công khai, thách thức cơ quan chức năng với những lời chào mời có cánh như: "Giống tiền thật 98%", “không cần đặt cọc”, "thanh toán nhanh gọn",… kèm theo những số điện thoại của cả người bán.

Các đối tượng bán tiền giả không hề ngần ngại việc quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, ngay cả khi có người vào bình luận, hỏi han cách mua hàng, họ cũng đều trả lời một cách thản nhiên mà không mảy may sợ hãi điều mình đang làm là vi phạm pháp luật.

Trên trang fanpage Chợ Vinh Online, một facebook có tên Trần Văn Huy ngang nhiên rao bán tiền giả công khai. Theo như facebook này viết thì tiền giả này xuất phát từ Thái Lan giống như thật đến 98% và nếu khách hàng mua sẽ được giao hàng tận tay, không cần đặt cọc trước. Khi một số người vào nhắn đề nghị được báo giá cụ thể thì được trả lời vào nhắn tin riêng. Một số người khác cảnh báo việc bán tiền giả là vi phạm pháp luật và dọa sẽ gọi điện báo công an nhưng người đăng thông tin không những không sợ hãi mà còn tỏ ra thách thức.

Được biết, nếu muốn mua tiền giả thì người mua sẽ trả bằng thẻ cào và nhận hàng tại một điểm bí mật do người bán lựa chọn. Theo đó, 1 triệu đồng tiền thật mua được 8 triệu đồng tiền giả, 2 triệu đồng mua được 20 triệu đồng tiền giả với các mệnh giá khác nhau, chủ yếu là 200 ngàn đồng, 500 ngàn đồng.
Việc tung ra thủ đoạn 1 đổi 8, hoặc 2 đổi 20 thực chất chính là trò lừa đảo. Và thực tế, vì hám lợi, nhẹ dạ cả tin, đã có không ít người mất tiền oan cho những đối tượng lừa đảo bán tiền giả trên các trang mạng xã hội. Vào tháng 6/2017, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An bắt giữ Thạch Thị Nga (SN 1996) trú xóm 6, xã Nghi Liên, TP. Vinh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan công an xác định, Nga đã lập facebook ảo để rao bán tiền giả, hình ảnh được Nga lấy trên mạng. Sau khi rao bán trên mạng, khi có khách muốn mua và thống nhất giá cả, Nga yêu cầu khách đặt cọc 30% bằng cách nộp thẻ cào điện thoại, sau đó sẽ giao hàng đến một địa chỉ đã định sẵn. Tuy nhiên, sau khi khách gửi số seri thẻ cào sang cho Nga thì đối tượng khóa facebook.

Đối tượng Nguyễn Tất Thắng bị tuyên phạt 8 năm tù vì tội Lưu hành tiền giả. Ảnh: Nguyên Hưng

Trước đó, vào tháng 5/2017, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Nguyễn Tất Thắng (SN 1970, trú xã Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu) về tội “Lưu hành tiền giả”. Cuối năm 2012, Thắng quen biết và nảy sinh tình cảm với Trần Thị Tuyết (SN 1972, trú xã Kỳ Tân, Tân Kỳ). Tuyết tâm sự do làm ăn thua lỗ nên nợ tiền nhiều người, và nhờ Thắng nghĩ cách giúp kiếm tiền trả nợ.

Thông qua một người bạn ở tỉnh Quảng Bình, Thắng biết Dương Thị Thủy (SN 1966, trú tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) có mua bán tiền giả nên giới thiệu với Tuyết. Sau đó, Thắng, Tuyết ra Lạng Sơn gặp Thủy mua 41,8 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng với giá 8,5 triệu đồng. Số tiền giả này Tuyết dùng để trả nợ và đưa cho người khác tiêu thụ. Lần thứ 2 vào tháng 1/2013, Thắng và Tuyết tiếp tục đặt mua của Thủy 96 triệu đồng tiền giả (mệnh giá 500 nghìn đồng), giá 26 triệu đồng. Trong phiên xử cuối năm 2013, TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Trần Thị Tuyết 11 năm tù. Còn Nguyễn Tất Thắng bị tuyên phạt 8 năm tù.

Xử lý cả người bán lẫn người mua

Phải khẳng định rằng, hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, lưu hành tiền giả là vi phạm pháp luật. Thực tế trong thời gian qua, Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng có hành vi mua bán, lưu hành tiền giả. Những đối tượng này sau đó đã bị truy tố và đưa ra xét xử, chịu những hình phạt thích đáng.

Thế nhưng, các đối tượng mua bán, lưu hành tiền giả vẫn tiếp tục hành vi của mình dù biết đó là vi phạm pháp luật. Theo Thiếu tá Hà Huy Đức – Đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) cho biết, việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng rao bán tiền giả trên mạng xã hội là không đơn giản vì những thông tin trên đó đều là giả. Một số người dân bị lừa nhưng vì biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nên cũng không trình báo và sẵn sàng chấp nhận mất tiền.

Hiện pháp luật hiện hành đã quy định khá đầy đủ và nghiêm khắc về hành vi mua bán, lưu hành tiền giả.

Thực tế, việc mua bán tiền giả được diễn ra công khai, trong khi khả năng phân biệt tiền thật, giả của người dân lại rất hạn chế, khiến cho hành vi lừa đảo này vẫn còn “đất sống”. Có thể sự hiểu biết pháp luật của những người này còn hạn chế, nhưng cũng có thể do lợi ích từ việc mua bán tiền giả là rất lớn nên đã bất chấp việc phạm pháp. Và theo đánh giá của cơ quan công an thì thông tin rao bán tiền giả qua mạng chỉ là chiêu trò để lừa người hám lợi, thực tế không có các giao dịch tiền giả như thông tin trên mạng xã hội. Do đó, mọi người cần hết sức cảnh giác để tránh vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng mua bán, lưu hành tiền giả, nhất là tại thời điểm cuối năm.

Để ngăn chặn, phòng tránh việc bị lừa khi sử dụng, lưu hành tiền giả, người dân cũng cần có thói quen kiểm tra đồng tiền. Theo Ngân hàng Nhà nước, người tiêu dùng cần kiểm tra các đặc điểm bảo an của tiền thật. Màu sắc tiền giả thường đậm hơn, các hoa văn thường không rõ, mờ nhòe, không sắc nét bằng tiền thật. Khi dùng tay sờ thì thấy tiền giả mỏng hơn so với tiền thật, tiền giả không có độ nhám, mà thường trơn bóng.

Tác giả: Nguyên Hưng

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP