Về chất lượng tiền, các đối tượng rao bán cam kết tiền được sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan giống tiền thật tới 99%.
Các đối tượng rao bán tiền giả trên mạng xã hội rất tinh vi, tài khoản facebook không hiện bất kỳ thông tin cá nhân nào, không địa chỉ, số điện thoại liên hệ, thậm chí ảnh đại diện cũng...ảo. Mọi giao dịch đều được thực hiện thông qua tin nhắn, các đối tượng "bán hàng" yêu cầu người mua để lại số điện thoại thay vì công khai số điện thoại của người bán.
Một trong những hình thức thanh toán khi giao dịch là bằng thẻ điện thoại thay vì thanh toán tiền qua tài khoản ngân hàng. Đây là hình thức dễ dàng để qua mặt cơ quan chức năng.
Ngoài ra, một hình thức giao dịch khác được các đối tượng này sử dụng là chuyển tiền qua bưu điện hoặc nhà xe. Tuy nhiên, đây là hình thức mạo hiểm bởi các đối tượng bán tiền có thể dễ dàng bị phát hiện.
Trong vai người có "nhu cầu" mua một lượng tiền giả để tiêu thụ trong các dịp nghỉ lễ, chúng tôi liên hệ với một trang rao bán tiền giả. Đối tượng bán hàng nói chuyện khá xởi lởi, nhưng khi hỏi địa chỉ liên lạc để giao dịch, ngay lập tức cuộc trò chuyện bị chặn và không thể liên lạc lại.
Theo những bình luận trên trang facebook cho thấy, có khá nhiều người muốn mua tiền giả. Họ để lại số điện thoại, địa chỉ để các đối tượng bán tiền liên hệ. Tuy chưa thể khẳng định việc mua bán diễn ra hay không, nhưng đây rõ ràng là một trong những nguy cơ gây mất trật tự xã hội và an ninh tiền tệ.
Một luật sư tại Hà Nội cho biết: “Việc mua bán tiền giả, không phân biệt giá trị lớn nhỏ, đều có thể bị xử lý hình sự về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả theo điều Điều 180, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009, với hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật”.
Nguồn: Congly.vn