Thể thao

Tiền đạo Phạm Hải Yến: Nước mắt sau tấm băng đội trưởng tại World Cup

Sau nhiều thăng trầm của nghiệp quần đùi áo số, tiền đạo Phạm Hải Yến xuất hiện với hình ảnh mà hẳn cô ao ước bấy lâu nay. Đó là đeo băng đội trưởng, dẫn đầu đội tuyển nữ Việt Nam bước ra sân đấu của World Cup. Đó là phần thưởng cho những nỗ lực, kiên cường vượt qua những nỗi đau của Hải Yến.

Những trận đòn vì mê bóng đá

Hải Yến sinh năm 1994 tại thôn Nghiêm Xá, Thường Tín, Hà Nội. Tuổi thơ của Hải Yến gắn liền với ký ức về ông bà cùng những ngày trốn bố mẹ đi đá bóng. “Khi tôi quyết định đi đá bóng, cả nhà đều không đồng ý. Vì hồi nhỏ, tôi rất bé và còi. Lúc chào đời, tôi chỉ được 2,8 kg. Môn bóng đá lại cần nhiều sức, rất dễ gặp chấn thương. Vì thế, chẳng ai muốn tôi theo nghiệp bóng đá cả. Bố là người ngăn cản tôi quyết liệt hơn cả”, Hải Yến hồi tưởng.

“Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ rất hay bị bố đánh, chỉ vì mải chạy ra sân bóng mà quên mất làm việc nhà. Vậy nên, nhiều hôm đi đá bóng về, tôi chạy thẳng về nhà ông, bà. Lỡ bố có mắng, tôi vẫn còn được ông bà bênh. Cũng nhờ sự ủng hộ của ông, bà mà sau này, tôi mới thuyết phục được bố, mẹ cho đi tập thử đá bóng”.

Hải Yến kiên cường vượt khó để bền bỉ với niềm đam mê bóng đá - Ảnh: Trí Công

Bên cạnh đó, một trong những người thắp lửa đam mê bóng đá cũng như giúp Hải Yến vững tin hơn với nghiệp quần đùi áo số là thầy Dương Khắc Kiểm. Trong trí nhớ của Hải Yến, những buổi tập với thầy Kiểm chính là ngọn lửa đầu tiên thắp lên tình yêu với trái bóng tròn: “Bác luôn chuẩn bị sẵn một túi bóng và nói cháu nào thích thì sẽ dạy bóng đá. Chúng tôi thích thú rồi cứ tìm đến bác để học hỏi. Khi ấy, tôi nghĩ đơn giản là mình phải đá tốt hơn các chị. Xã của tôi có nhiều chị đá giỏi và nổi tiếng lắm. Tôi cũng muốn được như các chị, được ăn tập rồi thi đấu chuyên nghiệp”.

Cô gái kiên cường

Năm 13 tuổi, Hải Yến bắt đầu lên Hà Đông tập luyện với đội trẻ CLB bóng đá nữ Hà Nội. Môi trường xa lạ, điều kiện ăn ở thiếu thốn không cản được ý chí của cô gái quê Thường Tín. Sớm gặt hái thành công ở các giải trẻ, vào năm 2011, Hải Yến trở thành cầu thủ đầu tiên được đặc cách từ U19 lên thẳng đội Hà Nội I mà không cần thử sức qua đội phụ Hà Nội II. Trong suốt quá trình trưởng thành, nữ cầu thủ sinh năm 1994 luôn cố gắng tự lập, giữ kín những nỗi đau để tránh làm bố mẹ phiền lòng.

Bà Phạm Thị Phương, mẹ của Hải Yến tâm sự: “Hồi đầu, khi mới đi tập bóng đá xa nhà, Hải Yến chỉ dám xin tiền gia đình vài lần khi phải đóng những khoản lớn. Còn về sau con đều tự lo. Yến cũng không bao giờ than thở về những khó khăn, thiếu thốn hay những đau đớn khi chấn thương. Mọi khó khăn Yến luôn giữ trong lòng, ít tâm sự với bố mẹ.

Chỉ có một lần Yến nói rằng muốn bỏ bóng đá. Năm đó, Yến khoảng 20 tuổi, đang thi đấu ở TP.HCM thì gọi điện về nhà rồi khóc. Lúc ấy, tôi cũng rơi nước mắt và khuyên con rằng phải cố gắng. Bởi nếu bây giờ dừng lại thì Yến sẽ lỡ dở tất cả”.

Bố mẹ Hải Yến dần ủng hộ Hải Yến khi chứng kiến thành công trong sự nghiệp của con gái - Ảnh: Giang Nguyễn

Yến cố gắng vượt qua khó khăn thời điểm chập chững với bóng đá chuyên nghiệp. 5 năm sau, cô một lần nữa phải đối diện với một chướng ngại khổng lồ. Tại SEA Games 2019 diễn ra trên đất Philippines, nữ tiền đạo sinh năm 1994 tịt ngòi trong suốt hành trình tiến tới trận chung kết của ĐT nữ Việt Nam. Cay đắng thay, đó cũng là thời điểm cô đón nhận tin bà ngoại mất. Đó là cú sốc rất lớn với Yến, bởi bà ngoại chính là người nuôi nấng, che chở và gắn liền với tuổi thơ của cô.

“SEA Games năm đó Yến tịt ngòi suốt từ vòng bảng đến trận chung kết. Nghĩ rằng chuyện của bà có thể khiến tâm lý của Yến bị ảnh hưởng, tôi mới gọi điện động viên con, rằng chuyện hậu sự đã xong, phải phấn chấn lên để hoàn thành nhiệm vụ rồi về thắp hương cho bà”, ông Phạm Văn Mười, bố Hải Yến tâm sự. “Thế rồi Yến ghi bàn thắng quyết định giúp Việt Nam đánh bại Thái Lan và giành Huy chương vàng”.

Đó là khoảnh khắc diễn ra đúng vào phút bù giờ của hiệp 2. Khi đó, các cầu thủ nữ Việt Nam đã gần như cạn kiệt về thể lực. Đúng lúc ấy, từ một quả đá phạt góc, bóng bất ngờ bay qua tất cả để tìm đến vị trí của Hải Yến. Cô tung người đúng lúc đánh đầu ghi bàn kéo sập mọi hy vọng của Thái Lan. ĐT nữ Việt Nam đăng quang, chính thức vượt qua người hàng xóm để trở thành đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử SEA Games!

Hải Yến thi đấu cả 3 trận ở World Cup nữ 2023

Tương lai sau tấm băng đội trưởng World Cup

Ngày 1/8/2023 sẽ là dấu mốc không thể quên trong sự nghiệp của Hải Yến. Cô được HLV Mai Đức Chung tin tưởng, trao tấm băng đội trưởng, dẫn đầu đội tuyển nữ Việt Nam ra sân trong trận đấu với Hà Lan tại lượt trận cuối vòng bảng World Cup nữ 2023. Cách đó hơn 9000 km, trong ngôi nhà mới khang trang, bố mẹ và ông của Hải Yến cùng nhau chăm chú theo dõi khoảnh khắc ấy với niềm tự hào khôn xiết.

Hình ảnh Hải Yến thay thế Huỳnh Như trong vai trò thủ lĩnh như một lời nhắc nhở về tình kế thừa ở ĐT nữ Việt Nam. Năm nay Huỳnh Như đã 31 tuổi. Trong 1-2 năm tới, có thể tiền đạo của Lank FC vẫn thi đấu đỉnh cao nhưng chắc chắn sẽ không còn sung sức như trước. Rõ ràng, đã đến lúc để Hải Yến - nữ tiền đạo 28 tuổi đang ở độ chín sự nghiệp bước lên, nhận trọng trách gánh vác hàng công của những nữ chiến binh sao vàng. Tiếp nối thành công của đàn chị chắc hẳn là nhiệm vụ áp lực và khó khăn. Song với bản lĩnh vượt qua gian khó xuyên suốt nghiệp cầu thủ, Hải Yến xứng đáng để được hy vọng.

Lên đội tuyển quốc gia khi mới học lớp 12

Hải Yến nhớ lại: “Chị Minh Nguyệt, tiền đạo số 1 của ĐTQG bị chấn thương nên HLV Trần Văn Phát phải tìm người thay thế. Rất may là tôi được vào sân từ băng ghế dự bị trong trận đấu của Hà Nội mà ông dự khán. HLV cảm thấy tôi có nét giống chị Nguyệt nên chọn thế vào vị trí đó luôn. Lúc ấy tôi rất bất ngờ vì có rất nhiều chị đá chính ở CLB mà còn chưa bao giờ được triệu tập.

Ngày ấy tôi vẫn còn đang học lớp 12. Sáng đi học bình thường, lúc về các chị giục xếp đồ để lên đội tuyển thì mới bắt đầu chuẩn bị, chứ thực sự đến lúc ấy vẫn chưa tin được. Tôi cũng chẳng kịp ăn mừng với ai cả”.

Tác giả: GIANG NGUYỄN - TRÍ CÔNG

Nguồn tin: bongdaplus.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP