Kinh tế

"Thực phẩm bẩn đang là cái u ác tính cho cả dân tộc"

“Rùng mình, run tay, ớn lạnh, kinh hoàng, hãi hùng… đó là những cụm từ biểu cảm xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều khi nói về thực phẩm bẩn, khiến nhiều người bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết? Đây là câu hỏi khó nhất vào lúc này bởi đâu đâu người ta cũng sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận”, ông Quốc Anh nói.

Bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết?

Tại Hội thảo Nông nghiệp an toàn do Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế trung ương và Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn diễn ra sáng 15/7, ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội và những thách thức trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; tăng trưởng và giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm và vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo ông Đương, thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực, sinh kế, đời sống và sức khỏe của người dân, thậm chí còn ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi Việt Nam, hơn nữa là niềm tin của người tiêu dùng trước những giá trị về kinh tế, văn hóa và đạo đức của các sản phẩm do con người tạo ra và tác động đến quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Ông Đương nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… còn xuất hiện, tồn dư trong thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao.


Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội cũng cho biết, hiện nay một vấn nạn đang diễn ra gây hoang mang và lo sợ cho người tiêu dùng đó là thực phẩm không an toàn.

“Thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay là cái u ác tính cho cả dân tộc, nếu không được cắt bỏ sẽ di căn thành ung thư, chúng ta hãy hành động ngay hôm nay đừng để đến lúc vô phương cứu chữa”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quốc Anh, chưa bao giờ cái ăn cái uống lại mang đến nhiều mối lo, làm nóng nghị trường Quốc hội như thời gian qua.

“Rùng mình, run tay, ớn lạnh, kinh hoàng, hãi hùng… đó là những cụm từ biểu cảm xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều khi nói về thực phẩm bẩn, khiến nhiều người bất lực đặt câu hỏi ăn gì để không chết? Đây là câu hỏi khó nhất vào lúc này bởi đâu đâu người ta cũng sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận”, ông Quốc Anh nói.

Có DN Việt gắn đinh vào đầu tôm xuất khẩu sang Nhật để tăng trọng lượng

“Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa nhanh như vậy”, PGS.TS Vũ Đình Hòe – Phó TBT VnEconomy - nhắc lại lời của một đại biểu Quốc hội khi nói về thực trạng nông sản Việt Nam.

“Với chất lượng nông sản hiện nay, chúng ta không ăn thì chết mà ăn thì chết từ từ”.

Trong khi đó, trên thị trường xuất khẩu, có một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu.

“Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm, kể cả nhét đinh và đầu tôm để tăng trọng lượng”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.

Ở đây, “con sâu không chỉ làm rầu nồi canh” mà còn phá hỏng thương hiệu quốc gia khi phía Nhật Bản đã nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm.

Ông Doanh khuyến nghị: Để hạn chế thiệt hại, các cơ quan chức năng của Nhà nước, các hiệp hội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, thanh tra, trừng phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật, gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng và làm mất uy tín của nông sản nước nhà.

Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán các hiệp định thương mại tự do với 57 nền kinh tế. Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm (Sanitary and Phytosanitary Standard – SPS) như dư lượng kháng sinh trong tôm và thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong chè, cũng như những yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch…

Nếu không đáp ứng được những yêu cầu rất cao đó, nông sản Việt Nam sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu mà các FTA đã mở ra.

Chưa bao giờ cái ăn cái uống lại mang đến nhiều mối lo, làm nóng nghị trường Quốc hội như thời gian qua.(Ảnh minh họa).


Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, trong số đó có hàng trăm nghìn người bị chết vì nguyên nhân thực phẩm không an toàn.

"Một lần nữa, nông nghiệp nước ta lại đứng trước tình trạng "nước đến chân mới nhảy", không còn chỗ để lùi, phải gấp rút tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, chuyển nông dân và ngư dân hoạt động theo truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp, công nhân ngư nghiệp được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường", ông Doanh nói.

T.S Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, vai trò của Nhà nước từ trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này. Các cơ quan nhà nước cần tiếp tục giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc cho nông dân và doanh nghiệp, giảm bớt các loại thủ tục, phí, lệ phí để doanh nghiệp và nông dân có thể giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành.

Tại hội thảo, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cần phải truy ra ai là người gây ra mất an toàn sản phẩm và giải quyết với từng đối tượng trong 3 nhóm chính là sản xuất, lưu thông và một nhóm khác là thúc đẩy kích thích sử dụng chất cấm, chất độc.

Ông Vân đặc biệt nhấn mạnh, quan trọng nhất là vấn đề thể chế, người chăn nuôi cũng làm ăn, kiếm tiền, sợ pháp luật nhưng hình như họ nghĩ pháp luật nằm ngoài ngoài sản xuất và họ không sợ pháp luật.

“Cần phải khiến họ sợ, và nghe thông tin để không dám sử dụng chất cấm, cần cứng rắn để ngăn cấm. Nói loạn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng không xử lý cứ để người nông dân làm do đó cần truy tố, người nông dân mới sợ. Cần sửa đổi một số điều trong bộ Luật Hình sự, tôi tin chất cấm sẽ giảm mạnh và nhiều người không dám dùng”, ông Vân nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Ngọc Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP