Trong tỉnh

Thực hiện tốt phương án sắp xếp để không làm lãng phí tài sản công sau sáp nhập

Chiều 21/6, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp để nghe tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/01/2019.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng chủ trì phiên giải trình.

Tham dự phiên giải trình có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh phiên giải trình

Giải quyết hết tồn đọng về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt báo cáo kết quả thực hiện Thông báo kết luận số 219/TB-HĐND.TT ngày 08/10/2021 về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất

Thực hiện Thông báo kết luận số 219/TB-HĐND.TT ngày 08/10/2021 của Thường trực HĐND tỉnh sau khi tổ chức phiên họp giải trình vào ngày 28/9/2021 về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSD) đất, quyền sở hữu (QSH) nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện một cách cụ thể, quyết liệt và kịp thời, trong đó có Kế hoạch 815/KH-UBND ngày 31/12/2021 giải quyết tồn đọng việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân… UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn khắc phục các tồn tại qua kết luận giám sát của HĐND tỉnh.

Từ ngày 01/10/2021 đến 15/6/2022, toàn tỉnh đã cấp được 8.045 Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, tương ứng với diện tích 8.527,86 ha. Cụ thể: Đất nông nghiệp cấp được 1.008 GCN với diện tích 221,98 ha; Đất lâm nghiệp cấp được 2.446 GCN với diện tích 8.026,15 ha; Đất ở nông thôn cấp được 3.573 GCN với diện tích 241,31 ha; Đất ở đô thị cấp được 1.018 GCN với diện tích 38,42 ha.

Toàn tỉnh cũng đã cấp đổi được 27.208 GCN với diện tích 4.632,65 ha. Cụ thể: Đất nông nghiệp (sau dồn điền, đổi thửa) cấp được 4.757 GCN với diện tích 1.084,46 ha; Đất lâm nghiệp cấp đổi được 664 GCN với diện tích 2.307,31 ha; Đất ở nông thôn cấp đổi được 16.457 GCN với diện tích 1.060,88ha và đất ở đô thị cấp đổi được 5.330 GCN với diện tích 180,00 ha.

Cùng với đó, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp được 1.384 GCN căn hộ chung cư cho người dân; cấp được 1.058 GCN đối với nhà liền kề, biệt thự cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ giải quyết các trường hợp tồn đọng theo Kế hoạch 815/KH-UBND tại các địa phương vẫn còn thấp và tại các dự án kinh doanh bất động sản vẫn còn có nhiều trường hợp không đủ điều kiện để cấp GCN.

Tiến độ cấp đổi GCN tại các huyện có số lượng xã dồn điền đổi thửa nhiều như: Anh Sơn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Tân Kỳ, Thanh Chương, Yên Thành còn chậm, số lượng GCN được cấp từ tháng 10/2021 đến 31/3/2022 còn rất ít. Các địa phương thực hiện rà soát, thống kê nhưng chưa phân loại các trường hợp còn tồn đọng để có phương án xử lý phù hợp.

Việc thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra của UBND cấp huyện để xác minh việc người dân đã nộp tiền để được sử dụng đất đối với các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền tại một số đơn vị còn e dè, chưa được triển khai thực hiện.

Tại phiên giải trình, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như lãnh đạo các địa phương có tỷ lệ cấp GCN Quyền sử dụng đất thấp đã chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tồn tại, hạn chế. Theo đó, về nguyên nhân chủ quan được xác định là do chính sách của Nhà nước về việc giải quyết các hồ sơ vướng mắc đối với trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền còn chưa rõ ràng; công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân tại địa phương không đảm bảo gây khó khăn trong việc xác minh việc nộp tiền trước đây của người dân để sử dụng đất trước đây.

Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong rà soát, phân loại các trường hợp tồn đọng; việc tập trung giải quyết các vướng mắc, đặc biệt trong công tác xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền để cấp GCNQSD đất cho các hộ dân đủ điều kiện...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý kết luận

Phát biểu kết luận về nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn vấn đề về giải quyết những tồn đọng trong cấp Giấy chứng nhận QSD đất, QSH nhà ở và tài sản gắn liền với đất là rất chính xác, bởi toàn tỉnh vẫn còn gần 50 nghìn hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân và hơn 7 nghìn trường hợp của các dự án kinh doanh bất động sản chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất.

Sau khi có Thông báo 219/TB-HĐND.TT của Thường trực HĐND tỉnh, qua theo dõi, kiểm tra và qua báo cáo cho thấy, có sự chuyển biến và đã đạt được kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý là vẫn còn chậm, bởi Thông báo 219/TB-HĐND.TT được ban hành vào đầu tháng 10 những mãi cuối tháng 12/2021 mới được cụ thể hóa bằng Kế hoạch 815/KH-UBND để thực hiện.

So với mục tiêu được đề ra tại Kế hoạch 815/KH-UBND: Khối lượng thực hiện phấn đấu đạt 75-80% trong cấp GNC cho hộ gia đình và cá nhân và 65-70% cấp GCN cho các dự án bất động sản sẽ khó đạt bởi đến nay tỷ lệ cấp GCD quyền sử dụng đất rất thấp.

Chia sẻ khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng về cấp GCN quyền sử dụng đất, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần phải quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt bởi đây là vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân, phải được giải quyết triệt để để tạo sự ổn định trên địa bàn. Các địa phương cần phải bám sát Kế hoạch 815/KH-UBND của UBND tỉnh để tập trung triển khai; phải đưa nhiệm vụ này vào nhiệm vụ của Thường vụ huyện, thành, thị ủy để chỉ đạo mạnh hơn.

Cùng với đó, phải tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; rà soát, phân loại các trường hợp tồn đọng để có phương án giải quyết. Sở TN&MT cũng cần tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác cấp GCN quyền sử dụng đất có hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát đến cùng việc thực hiện các kiến nghị đã nêu ra trong Thông báo số 299/TB-HĐND.TT để giải quyết hết tồn đọng về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh.

Giải trình công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình đặt vấn đề

Làm rõ về công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, Sở Tài chính đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện rà soát, đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, khối xóm và đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Trung ương. Song, quá trình thực hiện tại một số địa phương còn có những khó khăn, vướng mắc như nhiều khu đất chưa có Giấy chứng nhận QSD đất, chưa trích đo bản đồ địa chính khu đất, chưa được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng mục đích đất mới,…

Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Việt Dũng báo cáo công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sắp xếp cho 1.436/4.302 cơ sở (đạt tỷ lệ 33,4%). Lý giải về tỷ lệ phê duyệt phương án sắp xếp còn thấp, lãnh đạo Sở Tài chính cho hay: Cùng với ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn việc lấy ý kiến của nhân dân do phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội; một số địa phương chưa thật sự tích cực phối hợp, quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc hoàn thiện hồ sơ và lập phương án sắp xếp sau sáp nhập, khó khăn về hồ sơ pháp lý, nguồn lực thực hiện việc sáp nhập khó khăn cũng là nguyên nhân gây nên việc chậm xử lý đối với tài sản công sau sáp nhập.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu

Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài chính, các sở, ngành địa phương có liên quan để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp của các cơ sở trong năm 2022.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hồ sơ pháp lý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã có chỉ đạo hướng dẫn từng phương án cụ thể. Theo đó, đối với các cơ sở nhà, đất đề xuất phương án điều chuyển, giữ lại tiếp tục sử dụng mà chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Trích lục bản đồ địa chính khu đất thì cho phép đơn vị được lấy số liệu về đất trên bản đồ địa chính được phòng tài nguyên và môi trường huyện và các đơn vị liên quan xác nhận.

Đối với các cơ sở nhà, đất đề xuất phương án điều chuyển mà mục đích sử dụng đất chưa được điều chỉnh sang mục đích sử dụng mới thì cho phép đơn vị được đề xuất phương án sắp xếp (trong đó nêu rõ lý do điều chuyển và sự phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc cho đơn vị được tiếp nhận theo đúng quy định) và UBND cấp huyện phải có văn bản cam kết đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo mục đích sử dụng mới.

Đối với các cơ sở nhà, đất đề nghị phương án: Thu hồi, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý thì đề nghị các đơn vị phải cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý về đất như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trích lục bản đồ địa chính khu đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyết định của cấp có thẩm quyền về quy hoạch đất ở nông thôn (nếu đề xuất phương án chuyển giao về địa phương để bán đấu giá đất ở nông thôn),...

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cho rằng, số lượng cơ sở nhà đất và tài sản chưa sắp xếp, đã được phê duyệt phương án sắp xếp rồi nhưng chưa thực hiện là rất lớn và chủ yếu là công trình ở xóm, thôn, bản.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý, sở dĩ có tình trạng này là do việc xử lý sắp xếp chưa được các địa phương quan tâm đúng mực, mặc dù có chuyển động nhưng rất chậm.

Điểm lại những khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân khách quan và chủ quan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh có phương án chỉ đạo làm sao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng cuối năm; thực hiện phân công, phân nhiệm cụ thể, phải nêu cao quyết tâm thực hiện.

Cùng với đó, thực hiện việc rà soát quy hoạch đất đai gắn liền với thiết chế văn hóa khối, xóm để sử dụng hiệu quả có tính lâu dài; thống kê rà soát các cơ sở trên địa bàn mà cấp trên quản lý để có phương án xử lý; sắp xếp bố trí kinh phí để thực hiện trích đo, lập phương án; phải có phần mềm quản lý thực hiện công tác kiểm kê, theo dõi, cập nhật hồ sơ sắp xếp cơ sở dôi dư sau sáp nhập.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện để không làm lãng phí tài sản công và gây băn khoăn trong nhân dân. Kết quả thực hiện công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập sẽ phải báo cáo định kỳ 6 tháng/1 lần.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP