Thể thao

Thua Indonesia ở lượt đi chưa phải tận thế

Hàng công quá phung phí các cơ hội, tuyến 2 không kiểm soát được bóng, khả năng hỗ trợ phòng ngự cũng kém, trong khi đó, hàng hậu vệ đã lại mắc những sai lầm ấu trĩ…, thế thì việc để thua chủ nhà Indonesia ở Pakansari, Bogor, có gì lạ đâu, sao phải ầm ĩ? Sai lầm lớn nhất của chúng ta là suy nghĩ: Việt Nam hay hơn Indonesia.


Văn Quyết và đồng đội đang ở thế “miệng vực” ở trận bán kết lượt về. Ảnh Hồng Lĩnh

HLV Hữu Thắng và các học trò vẫn còn 90 phút (hoặc hơn) ở trận lượt về trên sân Mỹ Đình, để sửa sai và để thắp lại hy vọng.

“Cân đường hộp sữa”

Các hậu vệ không bật nhảy tranh chấp, Nguyên Mạnh thay vì xuất tướng đấm bóng lại “ôm” khung gỗ, khiến ĐT Việt Nam chịu bàn thua đầu tiên, ngay phút thú 7. Song, vẫn phải thừa nhận, pha dàn xếp – phối hợp phạt góc của Indonesia quá hay, quá hiểm. Và, họ không hề ăn may, bởi tại vòng bảng, học trò HLV Alfred Riedl đã hơn một lần thành công từ các miếng đánh tương tự: Bóng bổng và bóng cố định. Đây là sở-trường-lối-chơi của đội bóng xứ sở vạn đảo dưới triều đại Alfred Riedl.

ĐT Việt Nam có bàn gỡ sau đó, khi trọng tài Jarred Gillett bất ngờ cho chúng ta hưởng quả phạt đền (Văn Quyết sút thành công), sau tình huống phạm lỗi không rõ ràng của hậu vệ Indonesia nhằm vào Công Vinh. Một bàn thắng may mắn, bởi trước đó, Công Vinh đã việt vị trước khi Đình Đồng chuyền bóng. Cú vẩy bóng má ngoài chân phải của Đồng rất “nghệ”, nhưng nếu trước đó, anh tạt bóng bằng lòng, đã không đặt Vinh vào thế việt vị. Dù sao chúng ta đã hưởng lợi từ ông Gillett.

Nhưng, may mắn không mỉm cười mãi, khi đội bóng không thể kiểm soát tình hình và tiếp tục mắc những sai lầm không đáng có. Đỉnh điểm là pha cài chân cố để sửa sai của Quế Ngọc Hải, dẫn đến quả phạt đền, ngay đầu hiệp 2 (Boaz Solossa ấn định tỷ số 2-1). Thậm chí, trọng tài Gillett đã “quên” rút thẻ với Ngọc Hải ở tình huống này, bởi về nguyên tắc, phạt đền ắt phải đi kèm với thẻ vàng (hoặc đỏ). Indonesia chủ động làm chậm nhịp độ, trong khoảng 15 phút cuối trận, đảm bảo lợi dẫn.

Đấy là những vắn tắt trận bán kết lượt đi giữa Indonesia và Việt Nam, trận đấu mà thầy trò Hữu Thắng gần như thua toàn diện và chỉ may mắn mới bảo toàn được quân số khi tiếng còi kết thúc trận vang lên, đồng thời không bị vỡ trận trước lối chơi rực lửa của đội chủ nhà. Xâu chuỗi lại, ngay cả những sai lầm cá nhân, những pha bỏ lỡ cơ hội và cả những tình huống vào bóng như thể muốn “xin thẻ”, cũng… bình thường thôi, bởi nó là thuộc tính của ĐT Việt Nam. Phải chấp nhận mình kém.

Sửa sai như thế nào?

Dễ hình dung, sau khi tạo được lợi dẫn ở Tây Java, Indonesia sẽ chơi phòng ngự phản công, với số đông tập trung bên phần sân nhà, đồng thời kỳ vọng sự đột biến đến từ Lilipaly (số 8), Ferdinand Alfred (9), Boaz Solossa (7), Rizki Pora (14) và Andik Vermansak (21)... Quá nhiều cho chiến thuật đánh úp nhỉ, đấy là chưa kể Hansamu Pranata (cầu thủ mở tỷ số trận lượt đi)?! Trong khi đó, chúng ta cần kiểm soát được bóng, kiểm soát trận đấu và quan trọng, phải ghi được các bàn thắng.

Văn Thắng có thể là một tiền-vệ-đạo rất đa năng, có tầm sát thương cao khi “ốp” cầu môn, nhưng anh không thể thực hiện thiên chức của một “mỏ neo” – cầu nối giữa hàng hậu vệ và tuyến trên, theo yêu cầu. Khả năng đánh chặn – thu hồi bóng, hỗ trợ phòng ngự của Văn Thắng quá yếu, trong khi Xuân Trường và bộ đôi tiền vệ cánh Thành Lương và Trọng Hoàng, chỉ chia sẻ nhiệm vụ phòng ngự rất hạn chế. Trận tái đấu ở Mỹ Đình, hy vọng Hoàng Thịnh sẽ khoẻ khoắn trở lại.

Văn Quyết, Văn Toàn, Thanh Trung và thậm chí cả Văn Thắng (nếu được giải phóng vị trí – vai trò) sẽ là những sự kỳ vọng trên hàng công, chứ không hẳn là Công Vinh hay Thành Lương (vốn đã mất lửa). Đồng thời, tuyến 2 không những phải kiểm soát được bóng, mà còn phải kiểm soát cả thế trận, với bộ đôi tiền vệ trung tâm phải sẵn sàng phòng ngự khi đang… tấn công. Nói ra có vẻ hơi vô lý, nhưng bản năng gốc của người chơi giữa sân là thế: luôn sẵn những ý tưởng và giải pháp.

Nếu chúng ta chơi được với khả năng tốt nhất (điều không thường xuyên xảy ra với một đội bóng), hạn chế tối đa những sai lầm, HLV Nguyễn Hữu Thắng và các học trò vẫn còn nguyên cơ hội vào chơi chung kết. Song, vẫn cần thời vận mỉm cười và sự cổ vũ của may mắn nữa, mới hy vọng. Bằng không, mọi mưu cầu chỉ là vô ích mà thôi.

1. Lần đầu tiên và duy nhất, ĐT Việt Nam có thể biến bất lợi sau lượt đi (hoà 0-0 trước Singapore), lật ngược thế cờ (thắng 1-0 lượt về), đấy là bán kết AFF Suzuki Cup 2008, giải đấu mà chúng ta lên ngôi, ngoài ra không có tình huống khác.

2. Indonesia đã có 2 bàn thắng tạo lợi dẫn sau trận đấu ở Bogor, song nếu Nguyên Mạnh không xuất sắc sửa sai cho đồng đội ở hàng phòng ngự, ĐT Việt Nam có thể đã bị đào sâu cách biệt. Nhưng một Nguyên Mạnh là không đủ ở lượt về.

3. ĐT Việt Nam đã 3 lần chơi các trận bán kết/4 kỳ AFF Suzuki Cup gần nhất (2008, 2010 và 2014), nhưng 2 trong số đó, chúng ta đã thất bại chung cuộc và bị loại, bất kể ở giải đấu năm 2014, đội bóng từng tạo lợi dẫn 2-1 trên đất Malaysia.

Tác giả bài viết: Nguyệt Bàn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP