Ngày 18-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Hội đồng) đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác 2017 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2018 của Hội đồng .
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp - Ảnh: Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá trong năm 2017, Hội đồng đã hoạt động tích cực. Công tác truyền thông, thông tin về người tốt, việc tốt được đẩy mạnh. Đáng chú ý, Hội đồng đã nghiêm túc trong khen thưởng khi để lại 42 trường hợp do chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn...
Thủ tướng cũng cho biết tối 17-1, ngay sau khi đội tuyển U23 Việt Nam hòa với U23 Syria và lọt vào tứ kết giải vô địch bóng đá U23 châu Á, Thủ tướng đã gửi thư khen, chúc mừng thành tích này của đội tuyển U23 Việt Nam. Đây là một trong những tin vui, tạo niềm phấn khởi ngay đầu năm mới 2018.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn còn bệnh hình thức khi triển khai một số phong trào thi đua, chưa huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm.
Thủ tướng bày tỏ: "Tôi thường hay nói một đất nước anh hùng, một dân tộc anh hùng mà thu nhập bình quân thấp như thế thì có gì phấn khởi. Chúng ta phải làm sao để dân tộc tốt hơn, người giàu nhiều hơn, nhân dân no ấm hơn nữa, không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là kinh tế - xã hội phải phát triển bền vững, hiệu quả".
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng cho rằng công tác thi đua, khen thưởng phải đóng góp vào sự chuyển mình của đất nước để đưa đất nước tiến lên; thi đua phải hướng vào người dân, vào cơ sở.
"Chúng ta đang nói một câu chuyện Việt Nam rừng vàng biển bạc như một cô gái đẹp, bây giờ rừng vàng biển bạc này trở thành một con hổ mới về kinh tế, tại sao lại không, có phải là ước vọng, khát vọng đưa dân tộc chúng ta tiến lên không, hay chúng ta cứ bình bình mãi. Phải làm sao sự chuyển mình này mạnh mẽ hơn trong xã hội chúng ta"- Thủ tướng nhìn nhận.
Thủ tướng đề nghị nâng cao chất lượng khen thưởng, lấy kết quả kết thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện công tác chuyên môn làm thước đo khen thưởng. "Trước khi khen thưởng, phải có nhiều kênh để truyền thông, lấy ý kiến nhân dân xem đối tượng khen thưởng có xứng đáng không"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Các địa phương phải tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trong khen thưởng kháng chiến, phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện thi đua.
Năm 2018 cũng là năm kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như lễ kỷ niệm cấp nhà nước, cầu truyền hình tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam); gặp mặt, giao lưu giữa một số Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động với thế hệ trẻ, phát động thi viết về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến toàn quốc…/.
Theo báo cáo của Hội đồng, năm 2017, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng, Chủ tịch nước khen thưởng cho 74.872 trường hợp. Trong đó, khen thưởng đột xuất, chuyên đề cho 8.610 trường hợp, khen thưởng thành tích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5.816 trường hợp (chiếm 7,77%). |
Tác giả: Thế Dũng
Nguồn tin: Báo Người lao động