Nhiều ý kiến cho rằng cần công khai, minh bạch các khoản chi từ thuế BVMT để người dân biết - Ảnh K.Linh |
Bộ Tài chính vừa ký tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với một số mặt hàng, trong đó xăng lên kịch khung là 4.000 đồng/lít. Phản ánh tới Báo Giao thông, nhiều ý kiến người dân băn khoăn: Hàng năm, tiền thu từ thuế BVMT chi cho những việc gì?
Chi BVMT: không tách riêng
Bộ Tài chính cho biết, khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho nhiệm vụ chi cụ thể nào mà để chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.
"Việt Nam những năm qua tăng trưởng kinh tế cao, kèm theo mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, thu thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính để bù đắp, xử lý khắc phục những tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ. Trong điều kiện vẫn ở trong khung thuế quy định, giá cả chịu đựng được thì cần phải tính đến điều chỉnh thuế." Ông Nguyễn Văn Phụng |
Trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 17/5, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách, Bộ Tài chính giải thích thêm, theo nguyên tắc, thuế BVMT là khoản không bồi hoàn, hòa chung với ngân sách và chi cho nhiệm vụ chung của Nhà nước. “Thuế BVMT khác với phí bảo trì đường bộ, bởi phí bảo trì đường bộ là một loại phí (không phải thuế - PV) và có tính chất bồi hoàn theo Luật Phí và lệ phí”, ông Hưng lý giải.
Vậy, tiền thu thuế BVMT đang chi cho những nhiệm vụ cụ thể nào? Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2012-2016, chi thường xuyên cho BVMT khoảng 89.131 tỷ đồng. Trong đó, chi thường xuyên từ ngân sách T.Ư và địa phương bố trí trực tiếp cho BVMT khoảng 52.420 tỷ đồng; Chi thực hiện các dự án điều tra, đánh giá về đất đai, địa chất, ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tiết kiệm, lâm nghiệp bền vững, nuôi trồng hải sản... 36.711 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng chi đầu tư phát triển của ngân sách T.Ư (chi cho các chương trình, dự án theo ngành, lĩnh vực quản lý tập trung ở 2 ngành: Ngành tài nguyên và môi trường và ngành cấp nước và xử lý rác thải, nước thải và chi lồng ghép từ nhiều chương trình như: Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; trình ứng phó với biến đổi khí hậu...) khoảng 24.246 tỷ đồng. Ngoài ra, chi từ dự phòng ngân sách T.Ư phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ địa phương xử lý các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong năm như đê kè, hồ chứa... giai đoạn 2012 - 2016 khoảng 18.480 tỷ đồng...
Bộ Tài chính: Thu không đủ chi
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, giai đoạn 2012 - 2016, tổng chi ngân sách nhà nước cho BVMT khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm. Con số này cao hơn số thu thuế BVMT khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân 21.197 tỷ đồng/năm.
Vụ trưởng Vụ Ngân sách Võ Thành Hưng cho biết thêm, thuế BVMT hiện phần lớn được giữ lại các địa phương bởi hiện nay mới có 16 địa phương điều tiết về T.Ư, còn lại 47 địa phương được giữ lại toàn bộ. “Các địa phương ngoài chi đầu tư cho môi trường thì cũng chi cho chống thiên tai, ngập mặn, biến đổi khí hậu... Chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước hàng năm bố trí 1% tổng chi, nên thuế BVMT hiện chưa đủ, phải bổ sung thêm”, ông Võ Thành Hưng nói.
Không chỉ chi trực tiếp cho các hoạt động BVMT, ông Hưng cho biết, Chính phủ cũng phải xử lý nhiều vấn đề liên quan tới cải thiện môi trường như hỗ trợ năng lượng gió, năng lượng mặt trời. “Đây cũng là một biện pháp làm giảm khí thải bởi nếu chỉ dùng nhiệt điện thì sẽ tăng mức độ ô nhiễm. Việc đầu tư các nhà máy điện gió, ngân sách nhà nước cũng phải hỗ trợ, bù lãi suất vì không thể tính chi phí rồi phân bổ ra và bán điện cho người dân với giá cao được”, ông Võ Thành Hưng nói.
Khi đề xuất tăng thuế BVMT đối với xăng dầu, than, túi nilon, Bộ Tài chính lý giải cũng nhằm tăng cường huy động cho ngân sách. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tăng nguồn thu BVMT là cấp thiết song không phải là công cụ duy nhất. Do đó, cần tiến tới các công cụ khác như xử phạt nặng hơn mức hiện nay đối với các hành vi gây tổn hại và ô nhiễm môi trường như xả thải gây ô nhiễm nguồn nước, đất; khai thác trái phép rừng...
Thu thuế BVMT 5 năm tăng 4 lần Bộ Tài chính cho biết, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm. Cụ thể, năm 2012 khoảng 11.160 tỷ đồng, năm 2013 khoảng 11.512 tỷ đồng, năm 2014 khoảng 11.970 tỷ đồng, năm 2015 khoảng 27.020 tỷ đồng, năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng và năm 2017 khoảng 44.825 tỷ đồng. Do số thu từ hai nhóm mặt hàng chính là xăng dầu và than chiếm tới 99% tiền thu thuế BVMT nên có thể hiểu là tổng thu thuế BVMT cho ngân sách là thu từ xăng dầu và than. Trong giai đoạn 2006 - 2010, thu nội địa chiếm 59% tổng thu ngân sách, đến giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng đã tăng lên 68%. Riêng năm 2015 tăng lên 74% tổng thu ngân sách. Hiệp hội xăng dầu Việt Nam: Theo các Hiệp định Thương mại mà Việt Nam tham gia ký kết, thuế nhập khẩu xăng dầu ngày càng giảm (năm 2024 về 0%). Do vậy, việc điều chỉnh tăng mức thuế BVMT là cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách Nhà nước và có kinh phí để xử lý môi trường ở những địa phương, KCN đang bức xúc về môi trường. Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính cần có lộ trình tăng thuế BVMT đến năm 2020. Trước mắt, năm 2018 không nên điều chỉnh thuế BVMT để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân. Hàng năm, Bộ Tài chính cần công khai thu thuế BVMT và chi cho sự nghiệp BVMT để người dân biết. |
Tác giả: Cao Sơn
Nguồn tin: Báo Giao thông