Giang hồ phân tranh
Anh Phan Văn Dương (SN 1970) ở xóm 3/2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu vẫn chưa bao giờ quên ký ức về những ngày tháng băng rừng, lội suối vào đồi Tỷ, đồi Triệu... tìm vận may và chứng kiến cảnh giang hồ thanh toán, cướp bóc lẫn nhau. Vốn là người dân địa phương nên anh Dương hiểu rõ địa bàn nơi đây và cũng không ít lần tìm thấy những viên hồng ngọc.
Anh Dương cho rằng đó là những ký ức không bao giờ quên. |
"Lúc bấy giờ, các băng nhóm giang hồ thay nhau cát cứ các vùng đất màu mỡ để đào khoét vào lòng đất suốt ngày đêm. Trước cổng hầm chừng vài cây số, cứ cách vài chục mét các đại ca lại cắt cử đàn em cầm hung khí như kiếm, mã tấu, thậm chí cả súng sẵn sàng đổ máu với bất cứ kẻ lạ mặt nào có ý đồ xâm lấn địa bàn", anh Dương cho biết. Các đại ca giang hồ biết rằng, kẻ mạnh là người dẫm trên thân xác người khác và muốn trở thành thủ lĩnh, cai trị cả dải đất nhuốm máu này thì buộc phải đổ máu, lấy mạng lẫn nhau.
Anh Nguyên trao đổi với PV. |
Cũng không quên được những tháng ngày hỗn loạn ấy, anh Nguyễn Đức Nguyên, một phu đá đỏ trước đây kể tiếp: "Thời điểm cơn bão đá đỏ diễn biến phức tạp nhất là vào năm 1990. Khi đó chúng tôi cùng nhiều người dân quanh vùng thường tổ chức đi vào rừng theo từng nhóm để giữ an toàn cho nhau. Nếu đào được đá đỏ thì sẽ nhanh chóng giấu đi để tránh bị cướp bóc, bắt bớ. Giang hồ thời kỳ này hoạt động rất mạnh mẽ và được phân chia khá rõ ràng theo thế chân vạc. Có 3 khu đồi nhiều hồng ngọc thì được án ngữ bởi 3 đại ca là Sơn "cụt", Trường "lợn" và Phương "tay trái". Các đại ca này thu nạp dưới trướng của mình nhiều thanh niên bất hảo cùng súng ống, dao kiếm để tranh dành lãnh địa. Đêm nào tôi cũng nghe ngóng thấy việc giang hồ thanh toán, đâm chém lẫn nhau".
Phá thế chân vạc
Để thể hiện bản lĩnh, gây dựng số má cho mình, các băng nhóm giang hồ ráo riết thực hiện việc cướp bóc, cai hố, dàn xếp mâu thuẫn giữa những nhóm phu đá đỏ nhỏ lẻ. Ngoài ra, khi biết thông tin có người trúng đá đỏ, các đại ca sẽ cho đàn em của mình đến để ép giá rồi thu mua với giá rẻ. Cứ thế, các băng nhóm của Sơn "cụt", Trường "lợn" và Phương "tay trái" lớn mạnh và cát cứ những địa điểm làm ăn béo bở nhất.
Những ngọn đồi khô khốc từng được các băng nhóm đổ máu để dành lãnh địa. |
Tuy nhiên, trước lợi nhuận khổng lồ từ đá đỏ, đầu năm 1991, thế chân vạc của 3 đại ca khét tiếng nói trên bị lật đổ. Vương quốc đá đỏ Quỳ Châu nhanh chóng thuộc về một tên giang hồ từng vào tù ra tội như cơm bữa Vi Văn Phong. Những kẻ có số má ở vùng đất này thường gọi gã bằng cái tên Phong “trọc”. Y liều lĩnh, bất chấp mạng sống và đổi máu lấy địa bàn làm ăn. Thủ phủ đá đỏ sau những trận huyết chiến đẫm máu giờ đã thuộc về một tay Phong “trọc”. Với bản tính tàn ác của mình, sau khi soán ngôi, hắn chính là kẻ đã gây ra nhiều tội ác như cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ và ngập chìm trong ma túy.
Con đường dẫn vào đồi tỷ, nơi các đại ca cắt cử đàn em canh gác |
Kể từ đây, mảnh đất Châu Bình trở nên hết sức hỗn loạn. Các tệ nạn xã hội như ma túy, bài bạc, mại dâm… phát triển rầm rộ để phục vụ nhu cầu của đại ca giang hồ và phu trúng đá đỏ. Tất cả đã tạo nên một thời kỳ hết sức hỗn mang mà cho đến tận bây giờ, nhiều phu đá đỏ vẫn còn rùng mình khi kể lại.
Còn tiếp!
Tác giả: NGUYÊN HỒ
Nguồn tin: Báo Người đưa tin