Ðây là thủ đoạn buôn người mới cần được chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An quan tâm và có giải pháp ngăn chặn.
Bản Ðỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là nơi có nhiều phụ nữ vượt biên ra nước ngoài bán bào thai. |
Trong ba năm qua, ở huyện biên giới vùng cao Kỳ Sơn, diễn ra tình trạng buôn bán bào thai, tập trung chủ yếu vào đồng bào dân tộc Khơ Mú trên địa bàn xã Hữu Kiệm.
Chị Moong Th, 26 tuổi, bản Ðỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, người đã vượt biên sang Trung Quốc đẻ rồi bán con trở về, kể: Gia đình rất nghèo cho nên không được đi học chữ, lớn lên lấy chồng cùng bản, sau đó lần lượt sinh bốn đứa trẻ. Ðầu năm 2018, Moong Th lại tiếp tục mang thai, trong lúc gia đình túng bấn, do chồng nghiện rượu, suốt ngày say xỉn, Th ra trung tâm huyện để siêu âm thì biết rằng đó là bé trai và được một phụ nữ đặt vấn đề qua Trung Quốc sinh con. Vài hôm sau, Th nhận được điện thoại cho biết sẽ nhận được 40 triệu đồng cho bé trai.
Cuộc sống nơi rẻo cao, nguồn thu nhập của gia đình chị Th chỉ dựa vào nương rẫy tự cung, tự cấp, trong nhà chưa bao giờ có quá 10 triệu đồng. Trong khi hai vợ chồng đang nợ một khoản tiền gần 30 triệu đồng, cho nên chị Th đã đồng ý vượt biên sinh con mà không hỏi ý kiến chồng. Khi thai đã hơn 8 tháng, theo chỉ dẫn của người phụ nữ đã từng liên lạc, Th bắt xe khách từ Nghệ An ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi được người dẫn qua đường tiểu ngạch vượt sang Trung Quốc trong đêm rồi lại lên xe ô-tô chạy tiếp nửa ngày thì tới một căn nhà nằm sâu trên đất Trung Quốc.
Cận ngày sinh, chị Th được chở đến bệnh viện và chưa kịp nhìn mặt con thì đã có người tới trả cho một cục tiền Nhân dân tệ trị giá 40 triệu đồng tiền Việt Nam rồi họ đưa con đi. Nghỉ được bốn ngày có người tới đưa lên xe trở về Việt Nam. Hành trình qua Trung Quốc bán bào thai của chị Th kéo dài trong 40 ngày.
Ngay gần nhà chị Moong Th, chị Mạc H, 38 tuổi, qua môi giới một năm trước cũng sang Trung Quốc bán bào thai khi mang bầu con gái thứ năm ở tháng thứ tám với số tiền 80 triệu đồng đưa về trang trải nợ nần. Cũng có một vài trường hợp đã bị những kẻ môi giới trả với giá rẻ mạt không như cam kết ban đầu. Ðó là trường hợp Lữ Thị L (32 tuổi, bản Ðỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm), Lương Thị M (48 tuổi, bản Chà Lắn, xã Hữu Lập). Có trường hợp trong quá trình vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai đã phải bỏ mạng nơi xứ người khiến gia đình càng lâm vào cảnh khánh kiệt.
Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm xác nhận, ba năm qua tại địa bàn xã có 22 phụ nữ vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai, trong đó 21 người đã trở về địa phương. Số này tập trung tại hai bản Ðỉnh Sơn 1 và Ðỉnh Sơn 2. Chính quyền đã làm việc trực tiếp với những trường hợp này nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn. Theo ông Lượng, đây là hai bản người Khơ Mú phần lớn là hộ nghèo, cận nghèo. Qua tìm hiểu, mỗi đứa trẻ được bán với giá trung bình từ 40 đến 80 triệu đồng, trong đó bé gái có giá cao hơn bé trai.
Trao đổi thêm về thực trạng vượt biên bán bào thai trái phép của một số phụ nữ vùng cao Nghệ An, Ðại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, đây là một thủ đoạn mới của những kẻ buôn người. Thủ đoạn này rộ lên từ khoảng đầu năm 2018 đến nay, chỉ cách đây hai tháng, thống kê có 22 phụ nữ ở huyện Kỳ Sơn chủ yếu phụ nữ người Khơ Mú ở xã Hữu Kiệm vừa vượt biên qua Trung Quốc bán bào thai trở về, hiện tại con số này đã lên tới gần 30 người.
Ðể xử lý được hành vi này, hiện nay còn rất khó khăn. Công an Nghệ An đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương để xin ý kiến, hướng dẫn xử lý tình trạng buôn bán bào thai. Trước mắt, đang triển khai hai giải pháp đặc biệt là tích cực tuyên truyền đối với khu vực đồng bào thiểu số tại vùng cao, để người dân không tham gia hành vi này.
Tác giả: Minh Thư - Thành Châu
Nguồn tin: Báo Nhân dân