Giáo dục

THPT học theo tín chỉ: Xin đừng rút ngắn tuổi học trò!

Nếu thấy học sinh vẫn còn thời gian rảnh để học dồn học vượt rồi có thể rút ngắn thời gian học thì hãy thiết kế chương trình chính khóa dạy thêm cho học sinh nhiều kỹ năng sống hơn.

UBND TP HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật Giáo dục, đề xuất nhiều nội dung liên quan đến việc tạo cơ chế mở cho giáo dục TP HCM.

Một trong những đề xuất đáng chú ý là có định hướng mở trong biên chế năm học thay vì học đủ 9 tháng/năm như hiện nay. Ngoài ra, cơ cấu giờ, tiết học cũng được linh hoạt: học 1 buổi, 2 buổi hoặc cả ngày… Hình thức giáo dục mới này gần giống loại hình đào tạo tín chỉ đang được áp dụng tại các trường ĐH.

Nhiều giáo viên, phụ huynh và cả học sinh đang háo hức với đề xuất này vì học chế tín chỉ có thể rút ngắn thời gian học phổ thông. Nhiều nhà giáo và chuyên gia giáo dục cho rằng đó là những đề xuất hoàn toàn hợp lý với một đô thị phát triển như TP HCM. Có người còn lạc quan rằng, việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở bậc phổ thông sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong học tập của HS. Tùy theo điều kiện, khả năng HS có thể hoàn thành các tín chỉ sớm hay muộn. Như vậy, những HS giỏi có thể học nhanh hơn, đủ điều kiện thì tốt nghiệp.

Tuy nhiên, chia sẻ ý kiến về đề xuất mới này của TP.HCM, một giảng viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM, đồng thời là một phụ huynh có hai con đang học phổ thông lại có cái nhìn khác. Ông cho rằng, mình là người rất thích đổi mới, tuy nhiên, với đề xuất này, ông nói thẳng: XIN ĐỪNG!

Ông cho biết mình là lứa sinh viên thứ hai học theo tín chỉ tại trường ĐH Bách Khoa TP.HCM (đây là trường ĐH đầu tiên trong cả nước áp dụng tín chỉ từ năm 1993). Với ông, việc học tín chỉ ở bậc đại học là chuyện đương nhiên trong thời hội nhập nhưng ngay cả ở bậc đại học thì cá nhân ông vẫn không ủng hộ việc sinh viên học vượt để tốt nghiệp sớm. Bởi, trong các môn học, ngoài phần kiến thức chuyên môn phục vụ cho việc làm bài thi thì còn rất nhiều kỹ năng khác phải rèn luyện, nếu học dồn học vượt thì khó mà nắm bắt được các kỹ năng này. Bên cạnh đó, để thành công sau này, kiến thức chuyên môn cũng chỉ là một phần. Nào là phải sử dụng tiếng Anh lưu loát; phải biết cách chủ động trong công việc; biết cách làm việc nhóm; biết cách nói trước đám đông; phải có kỹ năng lãnh đạo,… bao nhiêu chuyện đối nhân xử thế cần phải học.

Ông cho rằng, thật ra ưu điểm nổi bật của học chế tín chỉ không phải là việc rút ngắn thời gian học như một số giáo viên, phụ huynh và cả học sinh đang nghĩ và mong muốn, mà là ở tính linh hoạt đáp ứng nhu cầu cũng như năng lực và nguyện vọng của từng cá nhân người học.

Theo giảng viên này, bậc học THPT, chương trình học đã khiến học sinh cố sống cố chết để có điểm thi thật cao còn việc rèn luyện các kỹ năng sống lại bị xem nhẹ. Giờ, nếu áp dụng học chế tín chỉ ở bậc THPT, rút ngắn thời gian học, tình hình sẽ tệ hại hơn nữa.

Và ông đưa ra đề nghị: “Nếu những người xây dựng chương trình học ở bậc THPT thấy học sinh vẫn còn thời gian rảnh để học dồn học vượt rồi có thể rút ngắn thời gian học như mơ ước, thì làm ơn thiết kế chương trình chính khóa dạy thêm cho học sinh những thứ sau đây chứ đừng áp dụng tín chỉ để rút ngắn tuổi học trò:

1. Dạy thêm cho các em thật nhiều môn thể dục, bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, điền kinh … Các em biết càng nhiều môn thể dục càng tốt, không phải chỉ học cho biết, mà phải luyện tập thường xuyên.

2. Dạy thêm cho các em biết cách sử dụng tiếng Anh thật thành thạo. Hiện tại, nhiều gia đình khá giả ở TP.HCM cho con học thêm tiếng Anh ở các trung tâm đắt tiền nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện đó.

3. Dạy thêm cho các em biết thương những phận đời dưới đáy xã hội, để rồi các em có thể sống nhân hậu hơn, và không còn vô cảm trước những hoàn cảnh kém may mắn. Những chuyến đi đến nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật sẽ giúp các em thấy được bản thân mình còn quá may mắn.

4. Dạy thêm cho các em kỹ năng làm việc nhóm, để các em hiểu rằng không thể thành công nếu chỉ làm việc thui thủi một mình. Làm việc nhóm cũng sẽ giúp các em nhận ra rằng có những con người thật đáng ghét nhưng mình vẫn phải học cách làm việc chung với người ta, và giúp các em có thêm kỹ năng đối phó với những người nói thật hay nhưng suốt ngày đùn đẩy công việc cho mình.

5. Dạy thêm cho các em một số kỹ năng sống tối thiểu, để lỡ một mai không có ba mẹ đi bên cạnh, các em vẫn đủ bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc đời. Nhồi nhét thật nhiều kiến thức chuyên môn, nhưng cuối cùng thì các em vẫn không thể tự lo được cho bản thân mình, thì có phải là quá bi kịch hay không?”.

Cũng theo ông, nếu áp dụng học chế tín chỉ, sẽ không còn những lớp học cố định như truyền thống nữa. Dù cho có thể giải quyết được tất cả các vấn đề về mặt kỹ thuật như chuyện đăng ký môn học, xếp thời khóa biểu, phân công giảng dạy, nếu học sinh THPT không được học theo lớp nữa, thì đó là một bi kịch của cuộc đời.

“Mấy mươi năm dâu bể, bụi thời gian đã phủ đầy ký ức, nhưng một trời kỷ niệm với bạn bè chung lớp ngày xưa vẫn luôn còn mãi ở một góc nhỏ trong tim mỗi người. Những kỷ niệm ngọt ngào của một thời tuổi ngọc sẽ luôn là chốn bình yên cho tâm hồn trước những sóng gió của cuộc đời. Và thật tội nghiệp cho những ai không còn chút ký ức gì về bạn bè chung lớp ngày xưa. Vậy thì, xin đừng, tuổi thần tiên đã ngắn lắm rồi”, ông hài hước nêu ý kiến.

Một đề xuất hoàn toàn mới mẻ, cần có sự tính toán thấu đáo, nhiều chiều chứ không thể áp dụng thí điểm ngay trong năm học tới. Chưa kể, Luật giáo dục quy định từ 18 tuổi, mới được công nhận tốt nghiệp nên cho dù HS học sớm, học vượt bao nhiêu cũng phải chờ!

Mong rằng, sẽ có sự xem xét thấu đáo hơn nữa để học sinh, chủ nhân chính của những đề xuất này được hưởng lợi nhiều nhất. Chứ nếu chỉ học và học mà không có những kỹ năng sống, kỹ năng mềm cần thiết thì không đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện nhân cách, phẩm chất HS.

Tác giả: TRÍ NHIÊN

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP