Cuộc sống

Thở máy, 'sống thực vật' vì bị muỗi chích gây viêm não Nhật Bản

Bệnh nhân mắc viêm não thường rất khó phát hiện sớm. Bệnh để lại nhiềm di chứng nặng như: “sống thực vật”, bội nhiễm phổi và tử vong; chậm phát triển về trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng rất kém; động kinh hoặc yếu liệt chi.

Bệnh nhi thở máy, điều trị viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi đồng 1 NGUYÊN MI

Thở máy cả năm

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận gần 300 ca mắc viêm não vi rút, trong đó 9 ca tử vong. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết hiện tại, Khoa Nhiễm - Thần kinh có 6 bé đang phải thở máy vì bệnh viêm não Nhật Bản.

Trong đó, có trường hợp bệnh nhi 10 tuổi điều trị viêm não Nhật Bản từ tháng 10.2016. Đến nay, bé vẫn phải thở máy, ăn uống qua đường tĩnh mạch.

Mẹ bệnh nhi cho biết bé đang khỏe mạnh bỗng nhiên bị sốt, ói. Gia đình liền đưa bé đến khám tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán sốt siêu vi. Tuy nhiên, bé về nhà uống thuốc vẫn không hết sốt nên gia đình đưa lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám. Khi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1, bé co giật, được cấp cứu.

Kết quả chẩn đoán và xét nghiêm xác định bé bị viêm não Nhật Bản, phải nằm điều trị đến nay.

Một bệnh nhi 12 tuổi khác (ngụ Long An), cũng điều trị viêm não Nhật Bản, nằm thở máy tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 8.2016 đến nay. Theo các bác sĩ, bé có bình phục thì cũng bị di chứng nặng nề, có khả năng phải “sống thực vật”.

Khó phát hiện sớm, di chứng nặng.

Theo bác sĩ Khanh, tháng 5, 6 đến đầu tháng 10 hằng năm là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh phát sinh nhiều ở khu vực miền Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bệnh lây qua vật trung gian là muỗi Culex, dân gian hay gọi là "muỗi ruộng". Muỗi chích heo, chim rồi chích người, mang mầm bệnh truyền sang người. Do đó ở vùng nông thôn vừa làm ruộng vừa có nuôi heo là nơi bệnh dễ gặp nhất.

Phụ huynh cần đưa trẻ vào bệnh viện khám nếu có các biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói, nhức đầu… Trường hợp đã có dấu hiệu rối loạn tri giác (co giật, hôn mê…) thì phải đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Khanh cho biết: Bệnh nhân mắc viêm não thường rất khó phát hiện sớm. Những triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản cũng giống như các bệnh thông thường khác như: sốt, ói, nhức đầu... Do đó lúc đầu, các bác sĩ thường chẩn đoán là sốt siêu vi.

“Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản diễn biến bệnh rất nhanh. Có thể sau 3 ngày, thậm chí 1 ngày, bệnh nhân đã có biểu hiện co giật. Khi bệnh nhân co giật thì bệnh đã nặng, rơi vào hôn mê, phải thở máy”, bác sĩ Khanh đánh giá.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo: Viêm não Nhật Bản là căn bệnh khó chẩn đoán. Bệnh hầu như chỉ có thể chẩn đoán sau khi trẻ đã có biểu hiện co giật, hôn mê. Vì thế, phụ huynh cần đưa trẻ vào bệnh viện khám nếu có các biểu hiện của nhiễm siêu vi như sốt, nôn ói, nhức đầu… Trường hợp đã có dấu hiệu rối loạn tri giác (co giật, hôn mê…) thì phải đưa đi cấp cứu.

Viêm não Nhật Bản thường phải điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh/thành vì cần đến máy thở.

Theo bác sĩ Khanh, với bệnh viêm não Nhật Bản, khoảng 60% bệnh nhi sẽ khỏi bệnh và hồi phục hoàn toàn, 30% có di chứng và dưới 10% tử vong. Bệnh nhi thường phải điều trị ít nhất 10 ngày, có khi kéo dài cả tháng. Những trẻ bị di chứng nặng thậm chí phải dùng máy thở cả năm.

Bệnh để lại nhiều di chứng nặng như: “sống thực vật”, bội nhiễm phổi và tử vong; chậm phát triển về trí tuệ, khả năng hòa nhập cộng đồng rất kém; động kinh hoặc yếu liệt chi.

Hiện tại, viêm não Nhật Bản có thể phòng ngừa bằng cách chích vắc xin. Ngoài ra, người dân cần giữ vệ sinh môi trường sống, nhà cửa, diệt muỗi; tránh để bị muỗi cắn.

Tác giả bài viết: Nguyên Mi

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP