Thầy giáo Lầu Bá Xênh (người đi đầu bên trái) cùng bà con bản Phà Nọi vận chuyển vật liệu để xây dựng khuôn viên trường và đường giao thông.
Thầy không chỉ là người con quê hương Phà Nọi gắng học cao để đem cái chữ về truyền dạy cho con em đồng bào trong bản mà còn là một điển hình làm dân vận, làm kinh tế giỏi, mở hướng giúp cho người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới.
Thầy giáo Lầu Bá Xênh đã có hơn 23 năm làm nghề dạy học, gắn bó với học trò nơi bản quê nằm dưới chân núi Pu Xai Lai Leng cao ngất. Tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm, thầy Xênh quyết định trở về Trường tiểu học Mường Típ dạy chữ cho con em. Từ năm học 2009 - 2010, thầy được phân công làm giáo viên dạy tiếng Mông cho con em điểm trường Phà Nọi. Bao nhiêu năm sống với nghề là bấy nhiêu năm thầy Xênh quên đi những lo toan, vất vả của cuộc sống đời thường, hằng ngày tâm huyết với từng trang giáo án, hết lòng vì con em dân bản. Nhận xét về thầy giáo Lầu Bá Xênh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Típ 1 Nguyễn Quốc Trí cho biết, thầy Xênh là người có năng lực chuyên môn và lòng nhiệt tình với công việc, luôn được đồng nghiệp và học sinh quý mến.
Không chỉ là một giáo viên say mê với nghề, chăm lo con chữ cho học trò, thầy Lầu Bá Xênh còn là người rất năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. Hằng ngày ngoài công việc ở trường, về nhà thầy lại xắn tay cùng vợ con thâm canh một héc-ta ruộng nước, khai hoang cải tạo hơn hai héc-ta đất trống đồi núi trọc quanh bản để trồng gừng, khoai sọ, bí xanh, ngô lai, thu từ trồng trọt mỗi năm lên tới 30 đến 40 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, thầy Xênh còn mạnh dạn nhận đầu tư khoanh nuôi hơn 10 ha đất rừng, chăn nuôi gần 60 con bò. Một vùng đất từ lâu hoang hóa ở Phà Nọi, dưới bàn tay cần cù chịu khó, bỏ nhiều công sức của cả gia đình nay thành khu trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập mỗi năm từ 120 đến 150 triệu đồng.
Thầy Lầu Bá Xênh chia sẻ: Gia đình mình cũng như nhiều gia đình người Mông khác ở Mường Típ, đói nghèo luôn bám đuổi. Tôi luôn trăn trở với việc cải thiện kinh tế, đã đến lúc mình phải nghĩ cách để cùng người dân vươn lên thoát nghèo. Muốn giúp người dân, mình phải gương mẫu làm trước thì mới dễ nói để học trò và người dân tin. Đầu tiên, tôi đầu tư vốn mua năm con bò cái. Những ngày tôi bận lên lớp, tôi giao cho vợ con chăm nom đàn bò, thứ bảy, chủ nhật xong công việc ở trường, tôi tranh thủ về chăm sóc đàn bò. Chỉ sau hai năm, bò sinh sản phát triển thêm được 10 con.
Không chỉ tâm huyết truyền thụ kiến thức cho học sinh và giỏi phát triển kinh tế gia đình, thầy Lầu Bá Xênh còn là người “dân vận khéo”. Năm học 2015-2016, Trường tiểu học Mường Típ 1 có chủ trương vận động xã hội hóa giáo dục, muốn bê-tông hóa sân trường tại điểm bản Phà Nọi. Thầy Xênh chính là người đã vận động bà con bản Phà Nọi hăng hái một lòng mang gùi đến vận chuyển vật liệu, tham gia làm sân trường. Không chỉ vận động bà con làm sân trường, thầy giáo Lầu Bá Xênh còn là người đi đầu vận động, huy động được nhiều lượt người dân góp công, góp sức vận chuyển vật liệu xây dựng giao thông nông thôn. Để có đường về bản bớt gập ghềnh, thầy tự bỏ tiền thuê máy đào đường. Thầy cũng là người đến gõ cửa từng hộ trong bản tuyên truyền, vận động người dân không nghe lời kẻ xấu, hướng dẫn họ cách làm ăn, cách nuôi bò, trồng lúa nước có năng suất cao và đã từng bước thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Bí thư chi bộ Đảng bản Phà Nọi Lầu Chờ Xồng cho biết: Là bản biên giới nghèo và khó khăn của xã Mường Típ, với 100% số hộ nghèo, nay tỷ lệ hộ nghèo của bản Phà Nọi đã giảm xuống chỉ còn hơn 60% là có công đóng góp không nhỏ của thầy Xênh. Thầy không chỉ mang con chữ về cho con em trong bản, thầy còn biết làm kinh tế giỏi. Nhiều hộ gia đình học theo cách làm ăn của thầy Xênh có nhiều trâu, bò, lợn, gà đã thoát nghèo. Bản Phà Nọi cũng như ở xã Mường Típ rất tự hào có thầy Lầu Bá Xênh vừa giỏi dạy con chữ vừa là cán bộ dân vận khéo và nhất là biết làm kinh tế giỏi.
Tác giả: NGÂN PHẠM
Nguồn tin: Báo Nhân Dân
Nguồn tin: Báo Nhân Dân