Kinh nghiệm hay ở huyện Nghi Lộc
Thời gian qua, chủ đầu tư là Sở GTVT đang chỉ đạo các nhà thầu tập trung triển khai thi công các đoạn đã bàn giao mặt bằng (7,2 km), phối hợp với các địa phương để xử lý các đoạn còn vướng mắc để sớm bàn giao, đảm bảo thi công thảm bê tông nhựa lớp 1 toàn tuyến xong trước 30/11/2018. Cụ thể, 4 nhà thầu đang triển khai 8 mũi thi công nền móng, công trình trên tuyến và 1 mũi thi công cầu, khối lượng đạt được các đoạn đã bàn giao mặt bằng; thông nền được 5,7/7,2 km; móng cấp phối đá dăm được 4,9/7,2 km; đã thi công 25/25 cống; 01/02 cầu,...
Cùng đó, các sở, ngành và địa phương đã tập trung giải quyết, tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc cũng như đã thực hiện phê duyệt, chi trả tiền được 151/414 hộ dân về đất ở (đạt 36,5%); GPMB vị trí tái định cư được 7/13 khu tái định cư (huyện Nghi Lộc 6 khu, thành phố Vinh 1 khu); di dời được tổng cộng 907/996 ngôi mộ...
Nhiều hộ dân ở Nghi Lộc chấp nhận tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng cho thi công. Ảnh: Thu Huyền |
Hiện nay, ngoài thị xã Cửa Lò cơ bản đáp ứng theo tiến độ, hiện đã bàn giao toàn bộ phạm vi thi công 9m, thì huyện Nghi Lộc cũng là địa phương có nhiều nỗ lực và đạt nhiều kết quả tốt trong công tác GPMB. Huyện Nghi Lộc có tổng 204 hộ dân có đất ở, 16 hộ có đất nông nghiệp, GPMB 8 khu tái định cư. Triển khai từ tháng 10/2017, đến nay đã phê duyệt, chi trả tiền được 149/204 hộ, 664/670 ngôi mộ và 4/8 khu tái định cư... Mặc dù công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB có nhiều khó khăn song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân nên đến nay cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, ngoài việc chuẩn bị công tác GPMB sớm, chu đáo thì bài học kinh nghiệm cho sự thành công bước đầu đó chính là công tác chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Ban Thường vụ Huyện ủy, HĐND - UBND huyện và sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy đảng, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, xã. Đối với những trường hợp khó, huyện phân công mỗi đồng chí trong BTV Huyện ủy bám 3 hộ khó để tuyên truyền, tháo gỡ.
Trong quá trình GPMB, huyện thường xuyên rà soát, để từ đó có hướng giải quyết kịp thời những bất hợp lý liên quan đến đất đai, tái định cư... Huyện cũng đã nghiên cứu một số chính sách để đôi bên (Nhà nước và người dân) đều có lợi. Ví như khi khu tái định cư chưa hoàn thiện, nhà dân xây chưa xong, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ, có cơ chế xây dựng nhà tạm cho người dân để kịp thời thông tuyến trong phạm vi 9m...
Đoạn đường được thông tuyến ở Nghi Phú, TP. Vinh đang được nhà thầu gấp rút thi công. Ảnh: Thu Huyền |
Đặc biệt, quá trình bồi thường, hỗ trợ GPMB cần được thực hiện hết sức công khai, minh bạch, dân chủ. Hội đồng bồi thường GPMB của huyện phối hợp với Ban QLDA công trình giao thông Nghệ An hướng dẫn UBND xã tổ chức họp dân cho từng xóm, phát phiếu thăm dò ý kiến, phát phiếu đăng ký số lô tái định cư sau khi đã thống nhất vị trí khu đất, để tổng hợp và tham mưu trình UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát lựa chọn địa điểm quy hoạch khu tái định cư. Trong quá trình tuyên truyền đã phân tích những ưu điểm, lợi thế cho nhân dân khi lựa chọn khu tái định cư và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ GPMB, với phương châm ưu tiên cho người dân thuộc diện phải di dời được lựa chọn vị trí khu đất trên địa bàn xã để quy hoạch khu tái định cư.
Điển hình là ở xã Nghi Xuân, nhờ công tác vận động, tuyên truyền nên đến nay, đa phần các hộ dân đã đồng ý với phương án tái định cư, giá bồi thường, hỗ trợ đất. Ông Phạm Ngọc Duyên - Chủ tịch UBND xã Nghi Xuân cho biết: Ban đầu, các hộ dân còn nhiều băn khoăn, chưa hiểu rõ, nhưng sau khi được vận động, tuyên truyền người dân đã chấp thuận với phương án tái định cư. Từ thực tiễn ở xã Nghi Xuân có thể thấy rằng, trong công tác GPMB thì yếu tố công khai, minh bạch, thông tin kịp thời, đầy đủ thì người dân sẽ đồng thuận. Hiện nay, khi được giải thích về hiệu quả của dự án khi hoàn thành thì người dân rất mong muốn tuyến đường triển khai đúng tiến độ.
Thành phố Vinh cần quyết liệt hơn
Hiện nay khó khăn nan giải nhất vẫn là đoạn qua thành phố Vinh, có chiều dài 3,4 km, hiện đã bàn giao mặt bằng được 1,2 km đất nông nghiệp đoạn qua xã Nghi Đức của dự án cũ (dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò); còn lại 2,2 km, trong đó: Đất ở, vườn 1,3 km (198 hộ), đất nông nghiệp 0,7 km (267 thửa) và đất nghĩa trang 0,2 km (82 ngôi mộ). Trong quá trình thực hiện, người dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB, các khu tái định cư chưa có nên đến nay 2,2 km đoạn tuyến đi qua địa bàn thành phố Vinh chưa thể bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hiện tại chỉ mới phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB cho 58/198 hộ, tuy nhiên các hộ dân chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng vì chưa có khu tái định cư, yêu cầu phải được bồi thường bằng việc giao đất có diện tích tương đương, đơn giá bồi thường đất và tài sản thấp...
Diện tích đất nông nghiệp ở Nghi Phú nằm trong chỉ giới tuyến đường đi qua. Ảnh: Thu Huyền |
Hiện nay, thành phố Vinh đã lựa chọn vị trí xây dựng các khu đất tái định cư tại các vị trí đẹp, đường giao thông thuận lợi và nằm gần khu vực phải giải phóng mặt bằng để không ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân sau này. Khi Nhà nước xây dựng xong hạ tầng khu tái định cư thì sẽ hình thành những thửa đất đẹp, đảm bảo cuộc sống tốt hơn vị trí cũ và người dân có thể ổn định cuộc sống lâu dài. Còn về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB, Nhà nước áp giá bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp, đất ở, vườn đều theo các quy định hiện hành và không để ai thiệt thòi. Phần lớn các hộ dân cho rằng mức giá bồi thường, hỗ trợ GPMB theo quy định của Nhà nước là chưa tương xứng với thị trường là chưa hiểu hết vấn đề.
Giá đất là do UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở điều tra khảo sát của đơn vị tư vấn và đề xuất của Hội đồng thẩm định giá của tỉnh, không có chuyện UBND thành phố Vinh tự định giá. Khi Nhà nước quy định bảng giá đất áp dụng cho nhiều mục đích như: Tính tiền nộp thuế hàng năm, thu tiền sử dụng đất hàng năm, thuế, phí chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đất... Nếu áp mức tính các loại thuế, phí và lệ phí nói trên theo giá chuyển nhượng trên thị trường là không hợp lý. Đây là công trình phục vụ lợi ích chung của toàn tỉnh, chứ không phải phục vụ mục đích kinh doanh, nên việc đòi hỏi theo giá thị trường là không đúng.
Trường tiểu học Nghi Phú chưa được di dời. Ảnh: Thu Huyền |
Mặc dù giá bồi thường, hỗ trợ GPMB đưa ra là kịch khung nhưng người dân vẫn chưa đồng tình, trong khi đó, các cấp ủy, chính quyền thành phố Vinh chưa vào cuộc quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, tuyên truyền chưa kịp thời làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.
Xác định đây là công trình trọng điểm, nên hiện Tỉnh ủy, UBND tỉnh đang tập trung cao nhất trong công tác chỉ đạo, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là tạo điều kiện tốt nhất, vận dụng chính sách có lợi nhất để đảm bảo quyền lợi của người dân phải di dời tái định cư nhưng đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Ngày 7/3/2018, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh đã có chuyến kiểm tra tiến độ dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 1) và Tiểu dự án đô thị Vinh. Các ý kiến chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ con đường này đã được thể hiện rõ trong Thông báo số 147/TB-UBND ngày 14/3/2018 của UBND tỉnh Nghệ An.
Trong đó nêu rõ UBND tỉnh giao UBND thành phố Vinh tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, với sự quyết tâm cao nhất, tăng cường nhân lực để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tuyên truyền, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, chuẩn bị các thủ tục pháp lý nếu người dân không phối hợp để tiến hành cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất đảm bảo tiến độ dự án, tập trung giải phóng mặt bằng phạm vi thi công tuyến (9m) để bàn giao mặt bằng chậm nhất trước ngày 30/7/2018, bàn giao toàn bộ mặt bằng xong trước ngày 30/11/2018.
Hiện tiến độ GPMB dự án đang rất chậm so với kế hoạch, đến thời điểm hiện nay, công tác GPMB tuyến chính, cũng như GPMB các khu tái định cư, các thủ tục xây dựng cơ bản các khu tái định cư chuyển biến chậm và chưa tiến triển, một số mốc tiến độ UBND tỉnh giao tại Thông báo số 147/TB-UBND ngày 14/3/2018 không đảm bảo.
Vì thế, để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, đề nghị cấp ủy, chính quyền UBND thành phố Vinh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, sâu sát, chỉ đạo UBND các xã Nghi Phú, Nghi Đức, Trung tâm phát triển Quỹ đất, các phòng, ban chức năng tập trung nhân, vật lực thực hiện công tác GPMB dự án, ưu tiên thời gian cho dự án, ưu tiên nhân lực trong công tác xác nhận nguồn gốc đất, kiểm kê, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ bồi thường, đẩy nhanh các thủ tục để xây dựng các khu tái định cư... Tiến hành tuyên truyền, vận động, công khai, minh bạch các chế độ, chính sách trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB để đảm bảo kế hoạch yêu cầu tiến độ thi công hoàn thành thảm bê tông nhựa lớp 1 xong trước ngày 30/11/2018 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tác giả: Thu Huyền
Nguồn tin: Báo Nghệ An