Trong nước

Thanh Hóa lên tiếng việc xin thêm 10 phó giám đốc Sở

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, đề xuất xin cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, cho phép tỉnh được tăng thêm 10 phó giám đốc Sở hiện đang được Bộ Nội vụ hoàn tất hồ sơ trình Chính phủ

Ngày 22-3, ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, có trao đổi ngắn gọn qua điện thoại với Báo Người Lao Động về nội dung tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị xem xét, báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy cho tỉnh Thanh Hóa, trong đó có nội dung xin thêm 10 phó giám đốc Sở.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa được định khung có từ 4-5 phó giám đốc sở

Theo ông Trần Quốc Huy, hiện cơ chế này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Bộ Nội vụ đang hoàn tất hồ sơ để trình Chính phủ. Ông Huy cũng cho biết có thể Chính phủ sẽ không đồng ý, mặt khác không biết khi nào Bộ Nội vụ mới trình Chính phủ.

Liên quan đến việc quy định khung số lượng cấp phó giám đốc sở, cơ quan ngang sở, ngày 20-3-2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định số 916-QĐ-UBND.

Theo quyết định mới này, số lượng cấp phó giám đốc Sở tại Thanh Hóa vẫn không vượt quá 57 người như quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 7-4-2021 đã ban hành. Tuy nhiên, khung quy định cấp phó giám đốc tại một số sở, ngành đã có thay đổi.

Cụ thể, theo quyết định 916 thì sở, ngành có từ 4 đến 5 cấp phó gồm: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường (tại quyết định 1133 thì Văn phòng UBND tỉnh định khung có 4 phó).

Các sở, đơn vị có từ 3 đến 4 cấp phó gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Công Thương (quyết định 1133 Sở Công Thương định khung 3 phó).

Quy định 3 cấp phó đối với các đơn vị: Sở Nội vụ; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Thanh tra tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa được định khung có từ 2-3 cấp phó (quyết định 1133 định khung 2 phó).

Các sở, đơn vị còn lại giữ nguyên 2 cấp phó như quyết định 1133, gồm: Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tư pháp; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Ngoại vụ.

Những năm qua, Thanh Hóa đã thực sự chuyển mình, trở thành một trong những tỉnh phát triển nhanh, có nền kinh tế lớn thuộc tốp đầu cả nước

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Nội vụ đề nghị xem xét, báo cáo Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy cho tỉnh Thanh Hóa, trong đó có việc xin thêm 10 phó giám đốc Sở giống Hà Nội và TP HCM.

Trong văn bản, tỉnh Thanh Hóa đưa ra nhiều cơ sở, lý do để xin thêm không quá 10 phó giám đốc Sở. Trong đó có nêu, theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 của Chính phủ, bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc, trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 7-4-2021 quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, cơ quan ngang sở thuộc UBND tỉnh với tổng số lượng không vượt quá 57 phó giám đốc sở (đảm bảo quy định bình quân mỗi sở có 3 phó giám đốc).

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thanh Hóa, quy định trên áp dụng chung cho các đơn vị hành chính cấp tỉnh (loại I, loại II, loại III) trên toàn quốc; trong khi đó Thanh Hóa là tỉnh có quy mô diện tích và dân số lớn, nhưng số lượng phó giám đốc các sở theo quy định của Chính phủ cũng bằng với một tỉnh có quy mô dân số và diện tích chỉ bằng 1/3, 1/4 của tỉnh, không có rừng, không có biển hoặc chỉ có biển mà không có rừng, như vậy là chưa phù hợp với tình hình thực tế…

Từ đó, Thanh Hóa đặt ra vấn đề cần tăng thêm số lượng phó giám đốc Sở để giúp giám đốc Sở chỉ đạo điều hành, bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước trong tình hình mới hiện nay.

Tác giả: Tuấn Minh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP