Trong tỉnh

Tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp

Chiều 3/1, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện các Sở, ban, ngành.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Ngành Nông nghiệp và PTNT duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện

Ngành Nông nghiệp và PTNT thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2023, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện.

Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,88%, thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản đạt 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, đạt trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó, một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: Rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, Gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều đạt 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững Ngành. Qua đó, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng...

Ngành đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển như: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản…

Về xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất: Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn NTM; có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại...

Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển ngành lâm nghiệp

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ đã đề xuất cơ chế, chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp, giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, gắn với sinh kế bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh. Theo đó, để ngành Lâm nghiệp phát triển, tỉnh Nghệ An kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép tỉnh sử dụng kinh phí trồng rừng thay thế nhưng không đủ điều kiện trồng rừng, để thực hiện các biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng. Cho phép Nghệ An thí điểm Dự án “Kinh doanh tín chỉ các bon để trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, bù trừ tín chỉ các bon thị trường trong nước và tự chủ trong chuyển nhượng giao dịch mua bán, trao đổi tín chỉ các bon ra thị trường quốc tế”.

Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét trình Chính phủ có cơ chế, chính sách thí điểm để hỗ trợ thực hiện chương trình bố trí, sắp xếp lại dân cư tại các vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, như: Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di chuyển người dân ra khỏi khu rừng đặc dụng, rừng sản xuất; hỗ trợ người dân làm nhà, gắn với giao đất, giao rừng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để người dân sản xuất…

Đồng thời xem xét rà soát, điều chỉnh giảm chỉ tiêu về độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An (63,5%) trong dự thảo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xuống còn 58% nhằm đảm bảo phù hợp tình hình của địa phương, đồng thời để đảm bảo đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg và phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đồng ý chủ trương cho tỉnh Nghệ An chuẩn bị đầu tư và lập dự toán đầu tư xây dựng công trình xây dựng đập Sông Lam...

Đổi mới tư duy trong phát triển nông nghiệp

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã điểm lại những kết quả Việt Nam đạt được trong năm 2023; đạt được những kết quả đó, có sự đóng góp rất lớn của ngành Nông nghiệp và PTNT. "Ngành Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động bất ngờ sang chủ động, kịp thời, sáng tạo, tự tin tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Vai trò, vị thế của ngành Nông nghiệp ngày càng được khẳng định. Thành tích năm 2023 đạt cao hơn thành tích năm 2022”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong năm 2024, ngành Nông nghiệp và PTNT phải đổi mới tuy duy, tầm nhìn chiến lược, phát huy ý chí tự lực, tự cường, chủ động, tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp. Quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân. Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người dân.

Xây dựng các khung pháp lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực cho các địa phương. Hoàn thiện các quy hoạch của ngành Nông nghiệp. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 67/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn, vươn khơi bám biển khai thác thủy sản; thực hiện các giải pháp để rút thẻ vàng IUU..

Chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng. Tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong ngành nông nghiệp.

Tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản mới để tránh đứt gãy các chuỗi xuất khẩu nông sản. Bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. Xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP