Cán bộ công đoàn tỉnh Nghệ An trao đổi với công nhân huyện Diễn Châu đi làm trở lại sau khi ngừng việc tập thể vì mức lương quá thấp. Ảnh: QĐ |
Ngày 12.4, Hội đồng Tiền lương quốc gia quyết định đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1.7.2022. Cụ thể, Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng; Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng; Vùng 3 tăng 210.000 đồng từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng; Vùng 4, tăng 180.000 đồng từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.
Trước thông tin nói trên, nhiều cán bộ công đoàn ở Nghệ An đã chia sẻ ý kiến và quan điểm, nhận định từ thực tế công tác.
Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu Phạm Đức Cường tìm hiểu cuộc sống, nguyện vọng của công nhân ngành giày da. Ảnh: QĐ |
Chủ tịch LĐLĐ huyện Diễn Châu Phạm Đức Cường nói: “Công nhân, người lao động rất phấn khởi vì nghe thông tin lương tối thiểu vùng sẽ tăng. Tại huyện Diễn Châu, sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp đã tăng 6% lương, nay được tăng thêm 6% nữa thì người lao động đỡ khó khăn. Mức lương thấp làm phát sinh nhiều vấn đề trong quan hệ lao động, do đó tăng lương là cần thiết, và nên tăng vào thời điểm gần nhất, không nên lùi thêm”.
Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, Trần Thị Nguyệt tặng quà cho công nhân tại khu nhà trọ ở TP Vinh. Ảnh: QĐ |
Sau Tết Nguyên đán, một số doanh nghiệp tại huyện Diễn Châu đã xảy ra tình trạng công nhân ngừng việc tập thể với hàng nghìn người tham gia để đòi quyền lợi, do mức lương quá thấp so với mức sống tối thiểu. Sau khi công đoàn vào cuộc thương lượng, doanh nghiệp đồng ý tăng lương cơ bản 6% và nhiều phúc lợi khác, người lao động mới làm việc trở lại.
“Thực tế mức lương cơ bản hiện nay quá thấp, người lao động quá vất vả. Do đó tăng lương là cần thiết và nên thực hiện ngay, không nên lùi thêm. Tăng lương, công nhân rất phấn khởi nhưng mức tăng 6% là không đáng kể, thấp so với nhu cầu cuộc sống. Nếu không tăng lương, sẽ phát sinh mâu thuẫn, bức xúc trong quan hệ lao động, ảnh hưởng đến tâm tư người lao động” – ông Tô Văn Thắng – Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu chia sẻ.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Nhi tặng quà cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: Trần Đông |
Chủ tịch LĐLĐ huyện Quỳnh Lưu cho biết, nghe thông tin lương tăng, một số tiểu thương đã tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Do đó, nếu không tăng lương kịp thời vào 1.7 như dự kiến, người lao động càng thêm khó khăn.
“Nhìn công nhân đi chợ, so với những người ngành nghề khác đã thấy quá khổ. Thực tế người lao động mong muốn mức tăng cao hơn, sớm hơn nữa, nhưng trong điều kiện hiện nay thì như thế cũng là một sự thay đổi theo hướng tốt hơn” – ông Tô Văn Thắng nói.
Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An Trần Thị Nguyệt nói: “Hiện mức lương vùng 1 cao hơn vùng 4 đến gần 1,4 triệu đồng, trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu không chênh lệch nhau nhiều. Nghệ An áp dụng mức lương vùng 3,4 nên lương càng thấp. Thu nhập của người lao động thấp, cuộc sống khó khăn nên không thu hút và giữ chân được lao động địa phương”.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám hỏi thăm công nhân trong khu nhà trọ ở TP Vinh. Ảnh: QĐ |
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Nguyễn Thị Thu Nhi nêu quan điểm: “Qua nắm bắt dư luận, tổ chức công đoàn nhận thấy công nhân lao động rất vui khi biết mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng. Theo tôi tăng lương là rất tốt nhưng mức tăng 6% vẫn thấp so với mức tăng giá cả hiện nay. Còn thời điểm tăng lương nếu áp dụng vào 1.7.2022 sẽ tốt hơn vào đầu năm 2023”.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An chia sẻ thêm, công nhân lao động và cán bộ công đoàn Nghệ An vẫn mong rút ngắn khoảng cách mức lương tối thiểu giữa các vùng, để người lao động địa phương yên tâm về làm việc gần nhà không phải tìm đến những địa phương vùng 1 có mức lương cao hơn. Bên cạnh đó, công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp cũng mong được tăng lương cơ bản để cải thiện cuộc sống.
Tác giả: QUANG ĐẠI
Nguồn tin: laodong.vn