Chị Hằng - phụ huynh học sinh (HS) một trường tiểu học tại TP Thủ Đức, TP HCM - cho biết sau Tết, giáo viên (GV) nhận dạy kèm con chị và một số em đã thông báo ngưng dạy.
Nơi ngừng, nơi… tìm cách lách
Theo chị Hằng, chị có 2 con đang học lớp 3 và lớp 5, lâu nay sau giờ học ở trường đều được đưa đến nhà một GV ở cùng khu chung cư để học thêm.
"Hình thức là học thêm nhưng thật ra gia đình tôi nhờ cô giáo trông con là chủ yếu. Cả 2 con ngày nào cũng tan trường lúc 16 giờ 30 phút. Từ lúc đó đến khi ba mẹ về, chuẩn bị cơm nước đến 19 giờ mới xong. Khoảng thời gian đó, nếu không có chỗ gửi con là cả một vấn đề lớn với nhiều gia đình" - chị Hằng giải thích.
Ghi nhận của phóng viên trong những ngày này cho thấy hàng loạt GV tâm tư khi Thông tư 29 chỉ còn vài ngày nữa có hiệu lực. "Vừa nghỉ Tết xong, chúng tôi được yêu cầu viết cam kết không dạy thêm dưới bất kỳ hình thức nào để nộp cho hiệu trưởng. Kèm với cam kết, chúng tôi cũng nhận được thông báo trường đang dư 1 GV, chỉ cần ai vi phạm sẽ bị xử lý ngay. Tôi không hiểu xử lý thế nào nhưng GV rất căng thẳng" - cô T. - GV một trường tiểu học ở quận 3 - TP HCM, lo ngại.
Khác với những trường hợp trên, cô Lan, GV tiếng Anh một trường tiểu học tại TP Thủ Đức, cho biết dù là GV tiểu học nhưng đối tượng cô dạy thêm chủ yếu là HS THCS. Các em luyện thi các chứng chỉ Starters, Movers, Flyers. "Từ khi có dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm, tôi bàn với em trai mở công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là các hoạt động giáo dục, chờ khi có hướng dẫn sẽ tổ chức lớp học phù hợp để làm sao không vi phạm quy định" - cô nêu phương án.
Anh Toàn, một phụ huynh HS tại quận 3, cho biết trước đây, GV của con anh có mở lớp dạy thêm - thật ra là không đúng quy định vì không được dạy thêm cho HS tiểu học. Song, các gia đình đều có nguyện vọng, làm đơn đăng ký hẳn hoi.
"Những ngày gần đây, cô này thông báo chia nhỏ lớp để không bị "dòm ngó", mỗi nhóm 5-6 em so với 10-12 em trước đây và HS đến nhà cô học để kín kẽ hơn. Chưa cần biết quy định mới hiệu quả ra sao nhưng trước mắt, chia nhỏ lớp thì phụ huynh phải đóng tiền cao hơn" - anh Toàn so sánh.
Học sinh đi học thêm tại một trung tâm bồi dưỡng kiến thức. Ảnh: TẤN THẠNH |
Học sinh cuối cấp đứng ngồi không yên
Có con năm nay thi lớp 10 - cũng là năm thi đầu tiên theo chương trình mới, nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên với quy định mới về dạy thêm, học thêm.
"Ở học kỳ II, dù nhà trường có kế hoạch ôn tập cho HS nhưng chắc chắn không đủ. Kỳ thi lớp 10 hằng năm là kỳ thi quan trọng, nếu cấm HS học thêm ở ngoài với chính thầy cô của mình thì làm sao các em đủ tự tin để thi" - chị Hạnh - một phụ huynh HS tại quận 1, TP HCM - băn khoăn.
Thầy Lâm Vũ Công Chính - GV Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP HCM - cho biết đối với HS cuối cấp, nhu cầu học thêm là có thật để đạt được mức điểm theo nguyện vọng vào các trường ĐH. Nếu không đi học thêm, ngoài những em thật sự giỏi, còn lại sẽ rất khó vào được những trường như mong muốn.
Theo thầy Chính, điểm chuẩn vào ĐH và điểm trung bình tốt nghiệp năm nay sẽ giảm. Trong khi đó, những trung tâm dạy thêm sẽ mọc lên ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu. Bởi lẽ, nhu cầu học thêm là có thật từ phía phụ huynh, HS hơn là từ phía nhà trường.
"Trong thực tế, nhiều HS tiểu học không theo kịp nội dung chương trình vì nhiều lý do. Có thể vì khả năng tiếp thu hoặc nội dung chương trình nhiều mà thời lượng ít; vì thời gian ở nhà các em bị cuốn vào game, tivi, điện thoại; vì cha mẹ bận rộn, không theo sát được việc học của con... mà phụ huynh muốn gửi con đến chỗ học thêm. Như vậy, gọi học thêm là chưa đúng vì thầy cô ôn tập giúp HS thay phụ huynh" - thầy Chính nhận xét.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cho biết trước những quy định mới về dạy thêm, học thêm, trong thời gian đợi hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP HCM, nhà trường vẫn tổ chức ôn tập, phụ đạo cho HS tại trường như trước đây và không thu tiền. Các trường còn vận động GV tổ chức những hình thức ôn tập phù hợp cho HS, bảo đảm kế hoạch năm học đề ra.
Theo hiệu trưởng một trường THPT tại quận Bình Tân, nhiều HS của trường là con em những gia đình khó khăn. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện đóng tiền học phụ đạo. "Thế nên, với quy định mới, ngoài việc vẫn dạy phụ đạo cho HS như lâu nay, nhà trường còn vận động thầy cô gửi thêm tài liệu ôn tập phù hợp để các em ở nhà tự học thêm" - ông thông tin.
Sẽ sớm ban hành hướng dẫn Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết trong tuần này, sở sẽ có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện đúng Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Thời gian qua, sở đã yêu cầu các trường và GV nghiên cứu kỹ thông tư này nhằm thực hiện sao cho đúng và cho sát, không để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm trái với quy định. Riêng việc dạy học buổi 2 trong trường hiện nay, theo Sở GD-ĐT TP HCM, cần phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện đăng ký của HS; không được đổ đồng, không ép buộc HS tham gia tiết học bổ sung kiến thức của môn học, mà các em đã được đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt của chương trình. Việc dạy học 2 buổi/ngày tại các trường cần được thực hiện đúng quy định để không bị hiểu là dạy thêm trá hình. |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động