Trong tỉnh

Tái diễn nạn khai thác vàng trái phép ở Tương Dương

Chính quyền xã Yên Tĩnh và huyện Tương Dương cho rằng nạn khai thác vàng trên địa bàn đã chấm dứt. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên thì hiện tình trạng này đang tiếp tục tái diễn một cách ngang nhiên.

Video: Bãi vàng trên núi Phá Tọc.

Sáng 27/10/2018, chúng tôi có mặt tại ngọn núi có tên Phá Tọc thuộc xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An). Trước đó, một số nguồn tin nói rằng địa điểm này có một số người đem theo máy móc đến đào đãi vàng.

Từ cột mốc đánh số 27 trên Tỉnh lộ 543C thuộc xã Yên Na đi bản Xàn, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, thêm khoảng 100m nữa chúng tôi gặp con suối mà người dân địa phương gọi là khe Phá Tọc. Từ đây, nhóm PV mất hơn 20 phút ngồi xe máy ngược dòng suối và mất thêm gần nửa giờ đi bộ ngược núi nữa thì đến được địa điểm có một hầm đào vàng đang hoạt động. Từ cách hơn 300m chúng tôi đã có thể nghe thấy tiếng máy nổ vọng đến từ một con suối nhỏ trong ngọn núi.

Một chiếc máy đào đãi hoạt động giữa lòng suối vào sáng 27/10. Ảnh: P.V

Men theo lối mòn dẫn xuống suối, chúng tôi bắt gặp một máy nổ đang hoạt động đào đãi vàng. Nước pha đất màu vàng đặc trưng của hoạt động lắng lọc vàng chảy tràn ra lòng khe, dẫn đến một bể lắng được đắp sơ sài. Một tốp người đang vận hành, tỏ ra bình thản trước sự xuất hiện của chúng tôi. Người đàn ông nói giọng miền Bắc cho hay anh ta quê ở Thái Nguyên, làm thuê cho một người chủ tên là Quỳnh ở xã Yên Tĩnh (Tương Dương).

Thấp thoáng bóng những người đào đãi vàng bên hầm khai thác. Ảnh: PV

Có 2 lán trại của nhóm người làm vàng cách mép suối chừng 20 - 30 mét. Trong một lán, một tốp người đang nấu bữa trưa. Một người đàn ông dáng thấp đậm nhận là một trong những người chủ bãi vàng. Anh ta ban đầu không nói rõ họ tên, nhưng người dẫn đường của chúng tôi nhận ra người đàn ông tên là Tuấn (còn gọi là Tuấn Béo) cư ngụ tại thị trấn Hòa Bình (Tương Dương).

Bể chứa nước lắng vàng ngay trên dòng suối. Ảnh: PV

Ông Tuấn cho hay, ông ta và nhóm công nhân mới có hoạt động đào đãi vàng trước đó 3 ngày. Ông than thở do làm ăn thất bại nên mới lên núi đào “trộm” vàng. “Bọn anh chỉ đi ăn trộm, không chính quy chính kiếc gì đâu. Anh ở (thị trấn) Hòa Bình và cùng làm với người dân bản xứ ở đây" - ông Tuấn cho hay.

Ông Vi Văn Thiếu trú bản Hạt xã Yên Tĩnh có một gia trại nhỏ ở ngay chân núi Phá Tọc. Người nông dân sinh năm 1961 ở trang trại liên tục suốt 15 năm qua cho biết nhóm làm vàng đã bắt đầu có hoạt động đào đãi từ gần một tháng trước đó. Ông Thiếu tỏ ra lo ngại nếu bãi vàng hoạt động lâu dài sẽ làm ảnh hưởng đến vật nuôi của gia đình. Ông Thiếu cho hay, gia đình đã đào ao thả cá trên dòng suối và e ngại trâu bò nhà mình sẽ uống phải nước có độc tố từ hóa chất xử lý vàng.

Lán ở của những người đào vàng. Ảnh: PV

Ông Vi Văn Thiếu cũng cho biết, bản thân không muốn cho những người đào vàng hoạt động phía đầu nguồn nước nơi ông đã đặt trang trại trong nhiều năm qua. “Năm ngoái cũng có người đến đào chừng 2 tháng nhưng sau đó chính quyền địa phương đến đuổi”.

Trao đổi qua điện thoại, ông Vi Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết, cho đến chiều 28/10 bản thân cũng như các cấp ngành địa phương chưa hay biết có hoạt động đào đãi vàng trái phép tại địa bàn. “Tôi sẽ cho thành lập đoàn kiểm tra để xử lý vấn đề” - ông Khiêm cho biết.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP