Người dân tụ tập bên bờ sông trong khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau thảm kịch sập cầu ở thị trấn Morbi, bang Gujarat, Ấn Độ ngày 31-10 - Ảnh: REUTERS |
Người đứng đầu Sở Cảnh sát Morbi, ông Rahul Tripathi, nói với Hãng tin AFP rằng khoảng 15 người khác đang được điều trị trong bệnh viện.
Các nhà chức trách cho biết gần 500 người, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đang tham gia lễ hội tôn giáo Diwali trên và xung quanh cây cầu treo gần 150 tuổi ở thị trấn Morbi vào tối 30-10 thì dây cáp đứt, khiến nhiều người rơi xuống nước.
Nhiều bản tin đăng tải những video (chưa thể xác minh ngay lập tức) về việc nhiều người cố gắng bám víu vào cây cầu sau khi sập hoặc cố gắng bơi đến nơi an toàn trong màn đêm, theo AFP.
Cây cầu treo bị sập dài 233m và rộng 1,5m, được làm từ vật liệu của Anh và khánh thành năm 1880. Nó bắc qua sông Machchhu, một địa điểm thu hút du khách.
Kênh truyền hình NDTV (Ấn Độ) cho biết cây cầu vừa mở cửa trở lại hôm 26-10 sau 7 tháng sửa chữa dù không được cấp chứng chỉ an toàn. Một đoạn video quay từ ngày 29-10, một ngày trước thảm kịch, cho thấy cây cầu bị lắc lư dữ dội.
Công tác tìm kiếm người mất tích trong thảm kịch sập cầu vẫn tiếp tục trong sáng 31-10 - Ảnh: REUTERS |
Anh Vijay Goswami và các thành viên trong gia đình đã đi lên cây cầu treo này vào chiều 30-10, song nửa đường phải quay lại vì sợ sau khi một số thanh niên trong đám đông bắt đầu rung lắc cầu, theo kênh NDTV ngày 31-10.
Anh Goswami cho biết khi anh và gia đình đang ở trên cầu, một số thanh niên cố tình lắc cây cầu, gây khó khăn cho người đi lại. Vì cảm thấy hành động này nguy hiểm, anh Goswami và gia đình đã quay trở lại.
Goswami nói anh đã báo cho nhân viên bảo vệ cây cầu, song họ tỏ ra khá thờ ơ.
Vài giờ sau, nỗi sợ của gia đình anh Goswami thành hiện thực khi cây cầu sập vào khoảng 18h30, giết chết hơn 130 người và khiến nhiều người mất tích.
Một cậu bé 10 tuổi cho biết em sống sót nhờ bám vào dây trên cầu và từ từ leo lên. Tuy nhiên, cho đến nay ba mẹ em vẫn mất tích.
Anh Mehul Raval, một trong những người may mắn sống sót sau thảm kịch, cho biết có gần 300 người trên cầu khi cầu sập.
Giới chức Ấn Độ đã nhanh chóng triển khai hoạt động cứu hộ ngay sau tai nạn, với thuyền và thợ lặn được triển khai để tìm kiếm những người mất tích trong đêm tối. Binh sĩ Ấn Độ cũng được điều động tham gia cứu hộ.
Chính quyền bang Gujarat sẽ bồi thường 400.000 rupee (khoảng 4.860 USD) cho gia đình những người thiệt mạng trong vụ sập cầu, và 50.000 rupee cho những người bị thương, theo báo Wall Street Journal.
Tai nạn do cơ sở hạ tầng cũ và được bảo dưỡng kém, bao gồm cả cầu, khá phổ biến ở Ấn Độ.
Năm 2016, vụ sập cầu vượt trên một con phố đông đúc ở phía đông thành phố Kolkata đã giết chết ít nhất 26 người. Trước đó, năm 2011, ít nhất 32 người thiệt mạng khi một cây cầu chật kín người tham gia lễ hội sập gần thị trấn Darjeeling ở đông bắc Ấn Độ.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ