Đã từ bao giờ, cái mác “chém đinh, chặt sắt” được người ta gắn cho SLNA, đội bóng sản sinh ra nhiều hậu vệ chơi rắn như Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Huy Hoàng hay sau này là Trần Đình Đồng (1 năm bị cấm thi đấu), Quế Ngọc Hải (6 tháng)...
Trong lịch sử hình thành CLB đang có bề dày và truyền thống lịch sử nhất V.League hiện tại, chính lối chơi dựa trên tinh thần đó đã làm nên bản sắc, thương hiệu riêng của SLNA. SLNA không thiếu cầu thủ chơi bóng như những nghệ sỹ thực thụ, nhưng trong những lúc khó khăn nhất, lối chơi rắn, không ngại va chạm của cầu thủ xứ Nghệ đã khắc chế điểm mạnh của đối thủ.
Chẳng thế mà mỗi khi làm khách tại sân Vinh, các đội bóng đều rụt chân trước những quả xoạc, tắc bóng dũng mãnh, thậm chí liều lĩnh, bất chấp của các hậu vệ SLNA. Nhưng bây giờ, bóng đá Việt Nam đã chuyển mình, không chỉ riêng SLNA có thể chơi rắn.
SLNA đang sở hữu nhiều hậu vệ đẳng cấp và 2 tiền vệ trung tâm chơi bóng đầy tư duy. Ảnh: Xuân Thủy |
Nếu SLNA tiếp tục áp dụng thứ bóng đá quyết liệt đó, đội bóng xứ Nghệ mới là những người chịu tổn thất, đồng thời nhận án phạt nghiêm khắc hơn. Các cầu thủ V.League bây giờ đã đầy đủ tiểu xảo, ma mãnh và không thiếu những pha phản đòn khiến đối phương gặp chấn thương. Kể cả HAGL với triết lý chơi thứ bóng đá quyễn rũ, đẹp mắt. Mùa giải 2017, HAGL là đại diện cho bóng đá nghệ thuật cũng lĩnh đến 4 tấm thẻ đỏ.
Một biểu tượng - HLV Hữu Thắng ra đi, Huy Hoàng giải nghệ, SLNA cũng dần đánh mất đi “đặc sản” của mình từng một thời bị cả V.League lên tiếng chỉ trích. Tất nhiên, khán giả xứ Nghệ vẫn chưa quen với một thứ bóng đá tử tế hơn thời hậu HLV Ngô Quang Trường.
CĐV xứ Nghệ vốn chỉ thích các cầu thủ bay nhảy, tung người móc bóng đầy bắt mắt còn hơn cả những chiến thắng. Sự máu lửa và quyết liệt trong lối chơi mang đến cho khán giả sân Vinh sự hưng phấn, hay nói đúng hơn là “đá hay cho dân sướng, đá thắng cho dân vui”. Cái hay không chỉ là đẹp mắt, mà còn có tinh thần chiến đấu.
Thời HLV Đức Thắng, SLNA sở hữu những nghệ sỹ thực thụ như Phi Sơn, Khắc Ngọc, Văn Đức nơi hàng tiền vệ và vẫn còn đó những hậu vệ khét tiếng như Quế Ngọc Hải, Hoàng Văn Khánh. Tuy nhiên, V.League 2017 chứng kiến một SLNA lận đận với sự chuyển mình trong lối chơi, hướng đến một thứ bóng đá “tử tế” hơn giữa những chỉ trích gay gắt trong quá khứ.
SLNA chọn triết lý bóng đá đa dạng hơn, phòng ngự, phản công và tấn công tổng lực tùy theo từng đối thủ, nhưng chắc chắn là không còn thứ bóng đá triệt hạ. Các đối thủ cũng không còn sợ hay e ngại hậu vệ SLNA như xưa. Bên cạnh những lý do khác, SLNA chỉ cán đích vị trí thứ 7 tại V.League 2017, một chức vô địch Cúp QG, nhưng đó là mùa giải mà SLNA không nhận một tấm thẻ đỏ nào, với số thẻ vàng vì phạm lỗi thuộc diện trung bình.
Tiền vệ Khắc Ngọc là linh hồn trong lối chơi của SLNA. Ảnh: Đức Anh |
Bước sang mùa giải mới 2018, SLNA thi đấu ở 3 đấu trường (AFC Cup, V.League, Cúp QG), chính SLNA là nạn nhân của thứ bóng đá xấu xí tại V.League với gần 15 ca chấn thương khác nhau sau lượt đi. Suốt 13 trận đấu đầu tiên, SLNA liên tục phải chơi với một đội hình chắp vá.
Nằm gai nếm mật trong cơn bĩ cực, SLNA vẫn cắn răng chơi thứ bóng đá tấn công, áp đặt lối chơi lên đối thủ, nhưng không hiểu vì sao, 13 cú dứt điểm của Văn Đức, Olaha và đồng đội lại tìm đến xà ngang, cột dọc. Kết quả là SLNA từng có chuỗi 8 trận chỉ biết hòa và thua, có 1 trận thắng và xếp áp chót BXH với 8 điểm sau 12 trận.
Từ giai đoạn lượt về, SLNA chào đón sự trở lại mái nhà xưa của Văn Bình. Trong một tập thể có quá nhiều cầu thủ trẻ, điểm yếu về mặt tâm lý như SLNA thì Văn Bình kết hợp với Khắc Ngọc tạo nên một bộ đôi tiền vệ như mơ. Còn nhớ Văn Bình khi vừa lên chơi V.League cũng từng là một “hung thần sân cỏ”, nhưng khi đã hội đủ kinh nghiệm và hoàn thiện, SLNA đang sở hữu 2 tiền vệ trung tâm chơi bóng bằng tư duy thực sự. Một có khả năng chọn vị trí, đánh chặn từ xa bằng kinh nghiệm 12 năm chơi V.League (SLNA, Bình Dương, FLC Thanh Hóa), một còn lại là tiền vệ hào hoa nhất của V.League 2017 theo những số liệu thống kê.
SLNA lúc này đang xếp thứ 3 trên BXH V.League sau 20 vòng, không 1 tấm thẻ đỏ, số thẻ vàng vì phạm lỗi trực tiếp cũng thua xa những đội bóng khác như Than Quảng Ninh, SHB Đà Nẵng, TP HCM, HAGL… Để có được chuỗi 8 trận toàn thắng, SLNA đã từng phải đón nhận sự chỉ trích của người hâm mộ vì quyết định chơi thứ bóng đá tấn công không hiệu quả.
Bây giờ, khi mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, SLNA có 10 cầu thủ khác nhau đã lập công tại V.League 2018, người ta mới thấy giá trị của sự dũng cảm đến từ BHL SLNA. Thực tế, bộ tứ hậu vệ Ngọc Hải, Văn Khánh, Xuân Mạnh, Đình Hoàng đều không còn non xanh khi đưa ra một quyết định truy cản. Chỉ cần thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật hay chậm hơn một nhịp, họ buộc phải làm lỗi.
Với SLNA hay bất kỳ đội bóng nào tại V.League, chơi thứ bóng đá xấu xí không khó, nhưng để chơi bóng một cách tử tế, Fair-play mà vẫn mang lại hiệu quả, không nhiều đội bóng làm được. Và Hà Nội, Khánh Hòa cũng như SLNA - những đội bóng đang xếp đầu trên BXH đang minh chứng cho điều đó./.
Trận đấu lượt đi trên sân Pleiku, HAGL đánh bại SLNA với tỷ số 1-0 và không có một tấm thẻ phạt nào được trọng tài rút ra. Trận lượt về trên sân Vinh, SLNA đánh bại đối thủ với tỷ số thuyết phục 3-1. Trọng tài rút ra 2 tấm thẻ phạt cho Lê Văn Sơn và ngoại binh Jeremie Lynch. Trong 2 trận lượt đi và về, Hoàng Văn Khánh đều phải chơi với cái đầu băng trắng sau những pha va chạm trên không. |
Tác giả: Trung Kiên
Nguồn tin: Báo Nghệ An