Giáo dục

Sinh viên đại học liên tục “rơi rụng”

Đuổi học, bỏ học, chuyển trường, học lại… là những nguyên nhân khiến sinh viên các trường đại học đang bị rơi rụng dần sau mỗi kỳ tuyển sinh. Thống kê tại nhiều trường đại học, mỗi khóa có gần 30% số sinh viên đã bị “rơi rụng” so với số vào trường năm đầu tiên. Điều đó có nghĩa cứ 10 em vào trường thì có 3 em vì một số lý do không học hết khóa, gây tổn thất cho nhà trường và sinh viên.

Đuổi học hàng nghìn sinh viên

Tháng 6/2016, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cùng lúc ký 946 quyết định buộc thôi học 946 sinh viên. Trong số này có nhiều em học hệ chính quy, hệ liên thông và cao đẳng đã học từ 3 học kỳ trở lên. Đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM khi đó cho biết họ buộc thôi học “không phải không có lý do", và "bất đắc dĩ trường mới thực hiện như vậy".

Có khoảng từ 20-30% sinh viên ở các trường đại học bị "rụng" trong quá trình học (Ảnh: Lê Văn)


“Tất cả những sinh viên này đều đã bị cảnh cáo học vụ lần thứ 3. Nhà trường tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, nếu sinh viên không chịu đầu tư cho việc học thì sẽ bị cảnh báo lần 3, đồng nghĩa với buộc thôi học" – ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết.

Đáng chú ý, trước khi xảy ra việc đuổi học hàng loạt này, trường đã cảnh báo học vụ với 1.937 sinh viên, trong đó có 1.614 sinh viên bị cảnh báo lần 1, 323 sinh viên bị cảnh báo lần 2.

Trước đó, tháng 3/2016, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM cảnh cáo học vụ và buộc thôi học 214 sinh viên với các lý do: Không hoàn thành nghĩa vụ học phí, không đạt số tín chỉ tối thiểu cho ngành đào tạo trong một học kỳ, có điểm trung bình kiểm tra trong học kỳ đầu dưới 3.0 hoặc điểm trung bình của 2 học kỳ liên tiếp dưới 4.0.

Nhà trường thông báo, nếu hết thời gian tối đa hoàn thành khóa học hoặc đã tự ý bỏ học từ một học kỳ chính trở lên, có điểm trung bình học kỳ bằng 0 (ở một học kỳ chính) thì sẽ bị đình chỉ học tập và xóa tên khỏi danh sách sinh viên.

Vào 10, "rụng" 3

Theo ông Trần Đình Lý, tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thông thường mỗi khóa sẽ “rụng” từ 15-20%/ tổng số sinh viên nhập học đầu khóa. Điều này có nghĩa, nếu chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2017 là 5.200 em, thì tới năm 2021 (tính 4 năm) chỉ còn khoảng xấp xỉ hơn 4.000 em học năm cuối.

Con số này ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là lớn hơn rất nhiều, khi có tới khoảng 30% số sinh viên không còn "bám trụ được tới năm học cuối - ông Lê Chí Thông, Trưởng phòng đào tạo cho biết.

Theo ông Thông, nguyên nhân là do các em đi du học nước ngoài, học lại chương trình hoặc học lại trường khác. Nhưng cũng có trường hợp chọn một hướng đi khác hoặc không theo đại học nữa.

Dù trải qua kỳ tuyển sinh vất vả, nhưng nếu không chịu học sinh viên có nguy cơ bị đuổi học (Ảnh:Đinh Quang Tuấn)


Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, thống kê sau 4 năm (tương đương 1 khóa), trường “mất” từ 15-20% tổng số sinh viên nhập học.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, trong số này thì có 300 - 400 em bị đuổi học, số còn lại do chọn sai ngành nghề, sai trường hoặc học lại. Một số sinh viên không theo kịp chương trình nên tụt lại phía sau.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thì số sinh viên bị đuổi học từ năm 2013 đến năm 2017 là 620 em, còn 1.076 sinh viên bị cảnh cáo học tập. Nếu số sinh viên này không thay đổi sau khi cảnh cáo sẽ có nguy cơ bị buộc thôi học.

3 khóa gần đây tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, có 565 sinh viên nhập học năm 2014 bị cảnh báo do kết quả học tập kém, chiếm 10% tổng số sinh viên nhập học năm đó.

Khóa nhập học năm 2015 con số này là 576 sinh viên, chiếm 7,9%. Khóa nhập học năm 2016 tỉ lệ này giảm hơn khi có 268 sinh viên, chiếm 4,2%. Nhưng đã có 634 sinh viên bị đuổi học trong 3 khóa này. Đó là những sinh viên rơi vào trường hợp lần thứ 2 liên tiếp hoặc lần thứ 3 thuộc diện cảnh báo. Sau bốn năm, số buộc thôi học chiếm khoảng 9 - 10% số nhập học mỗi khóa.

Trong khi đó, tại Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin từ ông Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng đào tạo, tính chung các ngành học thì số sinh viên bị “rụng” khá nhiều, trong đó nhóm ngành kỹ thuật có sinh viên bị “rụng” nhiều hơn các ngành kinh tế.

“Tỷ lệ ra trường sau khi hết hạn (7 năm) chỉ còn 70-72% số sinh viên nhập học. Trong đó, ngành kỹ thuật có hơn 60%, còn ngành kinh tế và các ngành khác khoảng 75%. Như vậy, khoảng 20-25% sinh viên của một khóa đã bị rơi rụng. Số sinh viên ra trường đúng hạn (4 năm) chỉ được 50%” - ông Hà cho biết.

Tốn kém thời gian và tiền bạc

Theo các trường, việc đuổi học là bất đắc dĩ.

"Theo quy chế đào tạo tín chỉ, sinh viên chỉ được theo học trong thời gian tối đa là 8 năm. Nhà trường phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo. Do vậy, nếu sinh viên không chịu đầu tư cho việc học thì sẽ bị cảnh báo lần 3, đồng nghĩa với buộc thôi học" - ông Trần Đình Lý cho biết.

Tuy nhiên theo ông Lý, từ việc “rụng” này, trường sẽ chọn lọc được những sinh viên có chất lượng, xứng đáng đạt chuẩn. “Chỉ tiếc trong số các em phải nghỉ cũng có những sinh viên vẫn còn muốn học nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn”.

Việc sinh viên bỏ học giữa chừng, chuyển trường, bị thôi học gây ảnh hưởng lớn tới nhà trường và các em (Ảnh:Đinh Quang Tuấn)


Còn ông Phạm Thái Sơn thì thẳng thắn cho rằng việc mất sinh viên sau khi vào trường là vấn đề cần nhìn nhận lại ở cả hai phía nhà trường và sinh viên.

“Về phía nhà trường, chúng tôi bị ảnh hưởng đến sĩ số lớp, do đó ảnh hưởng đến nguồn thu phục vụ đào tạo theo kế hoạch đã đề ra. Việc sinh viên bị loại thực sự là điều đáng tiếc và gây khó cho kế hoạch đào tạo của các trường, vì chẳng trường nào có kế hoạch cho việc các em bị loại cả, nhưng đây là lí do bất khá kháng”.

“Nhưng nguyên nhân của việc này mới thực sự nói lên sự ảnh hưởng của nó. Nếu do trường là nguyện vọng phụ khi chọn, thì nên xem lại việc xây dựng thương hiệu và chất lượng đào tạo. Nếu do khâu đánh giá khó và sinh viên thiếu sự chuẩn bị để thích nghi, thì cần xem lại công tác học sinh sinh viên và quá trình đào tạo” - ông Sơn phân tích.

Ông này cũng cho rằng, thông thường, sinh viên sẽ bị loại hoặc tự loại sau một năm theo học. Vì vậy, sinh viên mới là đối tượng thiệt thòi nhất.

“Các em tốn kém tiền bạc và thời gian mà không đạt được mục đích. Đặc biệt, ở nước ta vấn đề học còn bị giới hạn bởi thời gian và bằng cấp, loại hình đào tạo online, vừa học vừa làm chưa được xem trọng, nên các em bị loại sẽ phải làm lại từ đầu” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, sinh viên bị loại ở những năm 3 hay năm 4 phần lớn do không chịu nổi chương trình học. “Nói dễ hiểu là làm biếng, nhưng các em hay lấy lí do khó khăn rồi không theo nổi chương trình. Những em này thường khó có thể thành công, và phần đông sau khi bị loại thì khó đi học lại” - vị này cảnh báo.

Ông Lê Chí Thông, Trường phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng nhận định việc sinh viên “rụng” ảnh hưởng rất lớn tới quá trình đào tạo.

“Chúng tôi cho rằng từ thực tế này nên để các trường tuyển sinh theo quy mô đào tạo hơn là khống chế chỉ tiêu, vì sau một năm tuyển sinh là trường bị ảnh hưởng, và thực tế năm nào cũng bị như vậy. Hơn nữa, sự tổn thất nguồn lực của gia đình, của xã hội cũng rất lớn khi đầu tư đi học rồi bỏ dở, hoặc bị đuổi”.

GS Nguyễn Đăng Hưng, từng dạy tại ĐH Liège, Vương quốc Bỉ cho biết:

Ở nước ngoài, sinh viên không bị hạn chế bởi các chết độ ngặt nghèo do các trường đại học đặt ra. Ngoài đi học, sinh viên tham gia rất nhiều hoạt động như đi làm thêm, ngoại khóa, đi chơi.

Việc sinh viên nghỉ học trong thời gian ngắn là bình thường và các em có thể quay lại học những môn còn thiếu sau đó thi cuối kỳ như những sinh viên khác. Nếu nghỉ dài hạn, nhà trường sẽ bảo lưu kết quả học tập để năm sau sinh viên quay lại học mà không phải đóng tiền. Rất hiếm khi sinh viên bị đuổi học. Việc đuổi học chỉ xảy ra khi sinh viên có những hành vi thật sự nặng nề.

Tác giả: Lê Huyền - Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP