Lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp
Trung tuần tháng 11/2022, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã bắt quả tang ông Châu Văn Mỹ, Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu khi đang nhận tiền của một nữ bị cáo tại nhà nghỉ ở TP Bạc Liêu để chuyển 6 tháng tù giam thành 6 tháng tù treo.
Trước đó, vào tháng 10/2022, Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) bị khởi tố, bắt tạm giam vì nhận hối lộ trong vụ "chạy án" tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Đây chỉ là một vài ví dụ điển hình về một số cán bộ của ngành được coi là bảo vệ “cán cân công lý” nhưng lại có hành vi tham nhũng.
Bị cáo Phùng Anh Lê tại phiên tòa |
Trả lời phỏng vấn VOV, ông Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam) cho biết, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp có thể xuất hiện ở các giai đoạn tố tụng. Trong đó, ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử có các biểu hiện tiêu cực như: bức cung, nhục hình; làm sai lệch hồ sơ vụ án; lạm dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi; tha trái pháp luật người đang bị giam giữ; để lọt tội phạm...
Không chỉ có tiêu cực trong quá trình hỏi cung, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp còn được nhận diện ở hiện tượng “chạy án”. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều khâu, “chạy” ở khâu điều tra để kết luận điều tra nhẹ tội; “chạy” ở Viện kiểm sát để làm sao tội danh áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn; “chạy” ở tòa án để làm sao án ở mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc thay đổi tội danh để hưởng mức án nhẹ. Kể cả trong thi hành án hình sự cũng có thể có tiêu cực để làm sao được tha tù trước hạn…
Ông Hoàng Ngọc Giao. (ảnh: Tuổi Trẻ) |
Theo Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp hiện nay phức tạp và khó phát hiện vì chủ thể của hành vi là người có thẩm quyền hoặc có liên quan đến hoạt động tư pháp, nắm rất rõ luật, nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ đã cố tình hoặc vô ý xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, xã hội.
“Có một số nơi đã xảy ra tiêu cực, tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm minh những trường hợp này. Vì những tiêu cực này đều liên quan đến người thực thi công vụ, họ là những người nắm rất rõ luật, đại diện cho công lý nhưng lại vi phạm pháp luật thì hình thức xử lý kỷ luật phải cao hơn những người khác” – ông Trần Ngọc Vinh cho biết.
Bộ Chính trị sẽ ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp
Thực hiện chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Đề án “Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.
Nói rõ hơn về tiến độ xây dựng đề án trên, ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, nghiên cứu đề án trong suốt thời gian qua, xin ý kiến 14 cơ quan ở Trung ương, 63 tỉnh, thành ủy, tiếp thu ý kiến, giải trình đầy đủ để hoàn thiện đề án.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học |
Ngày 17/11, Ban Nội chính Trung ương đã ký văn bản trình đề án này. Sau đó, Văn phòng Trung ương Đảng sẽ lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.
“Theo kế hoạch, đầu tháng 12 chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Chính trị. Nếu được thông qua thì Bộ Chính trị sẽ ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” – ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, nếu mọi việc đều thông suốt thì khả năng trong tháng 12/2022, Bộ Chính trị sẽ ban hành quy định này.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng khẳng định phải chú trọng giải pháp kiểm soát quyền lực thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới đạt hiệu quả. Bởi vì các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là những cơ quan được giao quyền lực và liên quan đến quyền con người, quyền công dân, cũng như những vấn đề rất quan trọng như nhân thân, tài sản, tính mạng con người nên cần phải được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Trần Ngọc Vinh. (ảnh: Hội Luật gia Việt Nam) |
Ðể phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả, theo Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh, cần hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Ngoài quy định xử lý kỷ luật nghiêm minh, chế tài nặng thì cũng cần nghiên cứu để cán bộ tư pháp có chế độ đãi ngộ tốt thì họ sẽ không dễ dàng đánh đổi lợi ích đang có để tham nhũng.
Cùng chung quan điểm, ông Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cho rằng, một yếu tố quan trọng để hạn chế hành vi tham nhũng, tiêu cực, bị tha hóa bởi đồng tiền trong hoạt động tư pháp đó là phải tính đến câu chuyện thu nhập, đời sống của cán bộ cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án. Cùng với cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức là cải cách các quy trình, thủ tục tố tụng tư pháp, thể chế đảm bảo dân chủ, minh bạch, nghiêm minh để cán bộ không dám tham nhũng. Bên cạnh đó là có cơ chế, chính sách quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị đối với cán bộ tư pháp; cơ chế thu hút, thi tuyển những người đủ đức, đủ tài vào hệ thống các cơ quan tư pháp./.
Tác giả: Kim Anh
Nguồn tin: vov.vn