Giáo dục

Rót 6 tỷ đi học, thạc sĩ về hưởng lương 4 triệu: Quá phí?

"Kính phí đào tạo một thạc sĩ ngành CNVT tại Nhật Bản mất khoảng 6 tỉ đồng nhưng về nước với cơ chế lương nhà nước chỉ mấy triệu đồng thì có phải phung phí không?", ông Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC), Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chia sẻ.

Tại cuộc tọa đàm về chủ đề nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vũ trụ mới đây, TS Lê Xuân Huy, Trưởng phòng Thiết kế không gian, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) nêu thực trạng, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành CNVT tại Việt Nam đang thiếu hụt lớn.
20160530171244 ky su vnsc
Các kỹ sư Việt Nam được cử đi đào tạo tại Nhật tham gia dự án vệ tinh MicroDragon. Ảnh: VNSC.

Ông Huy cho biết, cho tới năm 2020, nhu cầu nhân lực của ngành CNVT tại Việt Nam cần ít nhất 2.000 người cho mục tiêu chiến lược phát triển chung của toàn ngành.

Chỉ riêng VNSC, đến năm 2020 cũng cần tới 350 nhân lực kỹ thuật cao cho các dự án của trung tâm như dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam… Trong khi đó, tới thời điểm hiện tại, số lượng cán bộ tại VNSC chỉ mới có 116 người, nghĩa là bằng 1/3 so với mục tiêu cần đạt được.

Theo TS Huy, nguyên nhân của sự thiếu hụt này là do ngành CNVT tại Việt Nam mới được mở ra đào tạo trong khoảng 3 năm trở lại đây, trong đó hầu hết là các cơ sở đào tạo liên kết với VNSC.

Hiện tại, cùng với VNSC có 3 trường mở ngành CNVT để đào tạo, bao gồm: Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội (UET), Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM. Tuy nhiên, các trường UET và USTH mỗi năm chỉ đào tạo được khoảng trên chục sinh viên, còn Trường ĐH Quốc tế mới ký liên kết đào tạo với VNSC từ tháng 4/2016.

Xác nhận về nhu cầu nguồn nhân lực của ngành CNVT tại Việt Nam đang thiếu hụt lớn, ông Phạm Anh Tuấn, giám đốc VNSC cho biết, các vệ tinh "Made in Việt Nam" sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2019 và năm 2022, bên cạnh đó, các dự án lớn như Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã được khởi công từ năm ngoái đang khiến nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cho ngành CNVT là rất lớn.

Ông Tuấn cho biết, do thiếu hụt về nguồn nhân lực, bên cạnh các kỹ sư CNVT, VNSC còn tuyển các kỹ sư trong các lĩnh vực viễn thông, điện tử, công nghệ thông tin và cơ điện tử… Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, VNSC cũng hướng tới việc phổ biến các kiến thức về công nghệ vũ trụ cho các em học sinh THPT và THCS, giúp các em nuôi dưỡng đam mê với công nghệ vũ trụ, từ đó tạo nguồn nhân lực tương lai cho ngành này.

Loay hoay cơ chế đãi ngộ

Hiện tại, để nâng cao chất lượng nhân lực của trung tâm nói chung và ngành CNVT Việt Nam nói riêng, trong những năm qua, VNSC đã cử 36 kỹ sư, thạc sĩ sang theo học tại 5 trường đại học lớn của Nhật về CNVT.

20160519151125 img 5544
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc VNSC. Ảnh: Lê Văn.

Theo thông tin từ ông Phạm Anh Tuấn, từ 2013 cho tới nay đã có 4 lớp cán bộ được cử ra sang Nhật học tập. Hiện tại đã có 11 cán bộ hoàn tất chương trình đào tạo và về nước làm việc.

36 kỹ sư, thạc sĩ được cử sang Nhật đào tạo cũng tham gia vào dự án thiết kế, chế tạo vệ tinh MicroDragon do Nhật Bản hỗ trợ và dự kiến sẽ phóng lên vũ trụ vào năm 2018 tới đây.

Điều đáng nói, theo ông Phạm Anh Tuấn là, chi phí để đào tạo cho mỗi cán bộ được cử sang Nhật đào tạo khoảng 250.000 USD (khoảng 6 tỉ đồng), bao gồm cả kinh phí chế tạo vệ tinh. Tuy nhiên, trong số 36 người được cử đi học chỉ có 6 người thuộc "biên chế nhà nước". Số lượng còn lại phải nhận lương từ nguồn hỗ trợ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ngân sách các đề tài khoa học của trung tâm… Lương của các cán bộ này, theo thông tin của ông Tuấn, chỉ khoảng vài triệu đồng.

"Mặc dù VNSC đã cố gắng đảm bảo các bạn được nhận lương cao hơn mức lương cơ bản theo quy định của nhà nước, tuy nhiên, với so với yêu cầu của ngành công nghệ cao và mũi nhọn như CNVT, mức đãi ngộ đó còn chưa tương xứng ngay cả một số đơn vị trong nước và đặc biệt so với các cơ sở CNVT ở khu vực Đông Nam Á", ông Tuấn cho hay.

Theo ông Tuấn, để đào tạo một kỹ sư, thạc sĩ ngành CNVT tốn kém thời gian và chi phí bởi họ được đào tạo bài bản cả về lý thuyết và thực hành. Vì thế, việc chế độ đãi ngộ thấp sẽ dễ dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong ngành CNVT.

Từ đó, ông Tuấn cho rằng, cần thiết phải có sự quan tâm hơn nữa đối với chế độ đãi ngộ với các nhân lực chất lượng cao của ngành CNVT. "Hiện tại, VNSC đang soạn thảo đề nghị cơ chế đặc thù cho nhân lực ngành CNVT giống như chế độ cho ngành năng lượng nguyên tử hay viện V-KIST", ông Tuấn cho hay.

Tác giả bài viết: Lê Văn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP