Xã hội

Quỳ Hợp: Hiệu quả từ đề án xử lý rác, nước thải sinh hoạt tại gia

Sau thời gian triển khai và thực hiện đề án xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt tại gia đình nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đến nay, xã Châu Cường, huyện đã đạt được những hiệu quả nhất định trong xử lý rác thải, tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Là địa phương có nghề chăn nuôi phát triển mạnh nên lượng rác thải của hộ gia đình ở xã Châu Cương, huyện Quỳ Hợp rất lớn, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là nỗi lo của nhân dân. Với mục tiêu ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, qua đó thay đổi tập quán, nhận thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở địa bàn có hơn 96% dân cư là bà con dân tộc Thái, xã Châu Cường đã xây dựng Đề án Xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt trên địa bàn toàn xã với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.

Năm 2016, đề án được Đoàn công tác của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới thẩm định, phê duyệt kinh phí với số tiền 400.000.000 đồng; UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ 100.000.000 đồng để thực hiện giai đoạn 1.

Hố xử lý rác thải được các hộ gia đình xây dựng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thí điểm xây dựng đề án, xã chọn 5 xóm gồm: bản gồm Đồng Tiến, Hạ Đông, Mường Ham, Bản Nhang và bản Thắm để tiến hành thực hiện. Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của Đề án đã triển khai đến 100% các hộ dân thuộc 5 xóm bản, với 311 hố xử lý rác thải và 300 hố ga chứa nước thải; trạm y tế và khuôn viên trụ sở UBND xã Châu Cường. Trong đó, đối với rác hữu cơ, sau khi đốt, xử lý sẽ tận dụng lấy tro ủ làm phân bón thay cho phân chuồng.
Hố rác xử lý rác thải vừa giúp người dân đảm bảo vệ sinh môi trường sống, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu làm phân bón.

Chị Lê Thị Lương – người dân ở xóm Đồng Tiến, xã Châu Cường phấn khởi chia sẻ: “Khi chưa có hố rác, rác thải vứt bừa bãi ra ngoài ruộng, ngoài vườn gây ô nhiễm môi trường. Từ khi cấp trên cho triển khai chương trình xây dựng hố rác, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình trong xóm đã gom rác đốt, bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng.”
Các hố rác được xây dựng đảm bảo kỹ thuật, sau khi đốt xử lý rác thải có nắp đậy.

Ông Nguyễn Văn Sơn, xóm trưởng xóm Hạ Đông, xã Châu Cường cho biết thêm: “Đa số người dân trong xóm là người dân tộc Thái, nhận thức còn hạn chế. Khi được cán bộ của xã, xóm tổ chức tuyên truyền cho dân thực hiện làm hố xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt đã tạo hiệu quả rõ rệt, ruồi muỗi không có nữa, sạch làng, sạch ngõ, sạch nhà.”

Từ hiệu quả của giai đoạn 1, UBND xã Châu Cường tiếp tục đề xuất triển khai các giai đoạn tiếp theo với mục tiêu nhân rộng mô hình ra toàn địa bàn. Cụ thể, ông Lưu Xuân Điểm - Chủ tịch xã Châu Cường cho biết: “Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ đề xuất triển khai thực hiện ở 5 xóm còn lại trên địa bàn xã. Đối với một số hộ dân ở vùng trũng mùa mưa lũ nước đọng, gây ảnh hưởng môi trường, chúng tôi đang xin xây hệ thống mương thoát nước có nắp; 3 cụm pa nô tuyên truyền và hỗ trợ cho mỗi xóm một cụm loa phát thanh để việc tuyên truyền về viecj thực hiện chương trình Nông thôn mới đạt hiệu quả tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế văn hóa, xã hội trên địa bàn xã Châu Cường.”

Hiệu quả từ đề án xử lý rác, nước thải sinh hoạt tại gia được các gia đình trên địa bàn xã tiếp tục nhân rộng mô hình.

Xây dựng hố rác và xử lý rác thải tại gia đình ở xã Châu Cường là một chủ trương mang lại hiệu quả thiết thực cho địa phương. Đây là giải pháp dễ thực hiện vì chi phí thấp và phát huy trách nhiệm của mỗi gia đình cũng như các đoàn thể ở cơ sở trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Phan Giang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP