Tờ South China Morning Post ngày 12/7 dẫn nguồn tin từ Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (UBKTKL) Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, ông Binh bị nghi nhận hối lộ, can thiệp vào việc thanh tra của cơ quan chống hối lộ, vi phạm quy định quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Cựu chủ tịch China Unicom Thường Tiểu Binh. (Ảnh: Scmp)
UBKTKL cho hay, Thường Tiểu Binh đã bị khai trừ Đảng và miễn nhiệm mọi chức vụ. Cơ quan công tố đang tiếp nhận vụ điều tra về ông này.
Ông Binh từng là Chủ tịch của Tập đoàn China Unicom. Binh được điều sang làm lãnh đạo của China Telecom hồi tháng 8. Tuy nhiên, 4 tháng sau đó, vào ngày 27/12/2015, ông này đã bị bắt để điều tra về hành vi “vi phạm kỉ cương nghiêm trọng”.
Theo thông báo điều tra của UBKTKL: “Thường Tiểu Binh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch China Unicom, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch China Telecom, bị tổ chức điều tra vì vi phạm kỉ cương nghiêm trọng”.
Ủy ban đặc biệt nhấn mạnh tới việc Binh từng là lãnh đạo của China Unicom, một trong ba tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc. Quả thực, Binh đã liên tục giữ chức vụ này từ tháng 11/2004 cho tới khi chuyển trước khi bị bắt có 5 tháng.
Sau khi Binh bị điều đi, đoàn công tác của Ủy ban trên đã vào thanh tra China Unicom và phát hiện một loạt vấn đề, như 11 quan chức cho vợ con ra nước ngoài định cư, 123 vị kiêm chức trái quy định, 17 người đến tuổi hưu vẫn “nán lại”...
Hai nguồn tin thạo tình hình của China Telecom cho biết, hồi năm ngoái, vụ điều tra nhằm vào ông Binh được cho là có liên quan tới hành vi tham nhũng của ông này trong thời gian quản lý công ty China Unicom.
UBKTKL đã khởi động loạt điều tra mới nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước từ tháng 11/2014. Một tháng sau đó, cơ quan này đã bắt hai quan chức Unicom là Zhang Zhijang – quản lý phụ trách xây dựng mạng lưới, và Zong Xinhua – phụ trách thương mại điện tử, vì ‘vi phạm nghiêm trọng kỷ luật’.
Cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương - Thượng tướng Quách Bá Hùng
Tháng 12/2015, hai ngày sau khi Thường Tiểu Binh bị bắt, cũng báo South China Morning Post đã đăng bài cho biết, ông này bị tố cáo là đã bán tòa trụ sở văn phòng (thuộc sở hữu nhà nước) tại Bắc Kinh với giá thấp hơn thị trường 800 triệu Nhân dân tệ (2.800 tỷ đồng).
Gia đình của cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Quách Bá Hùng được hưởng lợi từ số tiền chênh lệch này. Vụ việc chỉ bị vỡ lở sau khi có bức thư tố cáo của một nhân viên hãng đánh giá tín dụng Chengxin Credit Management, tên là Li Zhengdong.
Theo bức thư này, năm 2011, China Unicom đã bán tòa nhà Trung tâm Thương mại Merchants International cho công ty bất động sản Guoao Estate do gia đình Quách Bá Hùng quản lý.
Bức thư cho hay, thương vụ này đã tạo kẽ hở cho Guoao Estate hưởng lợi, do tòa nhà được bán với giá chỉ bằng 1/3 so với với giá trị thực sự lên đến 1,2 tỷ Nhân dân tệ của cao ốc này trên thị trường.
Điều đáng chú ý là, những công ty khác như Taikang Life Insurance đã đề xuất mức giá cao hơn thế, nhưng đều không được chấp thuận. Trong thư nói thêm, chính Thường Tiểu Binh là một trong những người đưa ra quyết định ở cấp cao nhất trong thương vụ này.
Bức thư cho biết thêm, China Unicom đã cùng với Guoao Estate và Bejing Zhongzheng Estate trốn một khoản thuế trị giá 320 triệu Nhân dân tệ.
Tác giả bài viết: Lê Thu