Khỉ đuôi dài là loài linh trưởng được buôn bán nhiều nhất, chủ yếu phục vụ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm - Ảnh: REUTERS |
Theo Hãng tin AP, ông Masphal Kry - quan chức bảo vệ động vật hoang dã và đa dạng sinh học thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia - đã bị bắt tại sân bay John F Kennedy ở New York (Mỹ) ngày 16-11.
Ông Kry, 46 tuổi, đang trên đường đến Panama để tham dự hội nghị quốc tế về bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, ông Omaliss Keo, 58 tuổi, tổng giám đốc Cơ quan Quản lý lâm nghiệp Campuchia, cũng bị bắt với cáo buộc tương tự.
Ngoài hai quan chức Campuchia nêu trên, có sáu người khác cũng bị bắt vì có liên hệ với Công ty Vanny Resources Holdings có trụ sở tại Hong Kong, tham gia vào việc nhân giống khỉ đuôi dài phục vụ cho nghiên cứu khoa học, cụ thể là cung cấp cho các phòng thí nghiệm ở bang Florida và bang Texas.
Theo cáo trạng, người sáng lập và chủ sở hữu Vanny Resources Holdings là James Man Sang Lau (64 tuổi) cùng với tổng giám đốc công ty Dickson Lau (29 tuổi), điều hành từ Hong Kong đường dây thu mua khỉ hoang dã và xuất khẩu sang Mỹ dưới dạng nuôi nhốt.
Khỉ đuôi dài, còn được gọi là khỉ ăn cua, được bảo vệ theo luật thương mại quốc tế và phải có giấy phép đặc biệt để nhập khẩu loài này vào Mỹ.
"Khỉ đuôi dài đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế công nhận là loài có nguy cơ tuyệt chủng", công tố viên bang Florida Juan Antonio Gonzalez cho biết. "Việc đưa chúng ra khỏi môi trường sống một cách bất hợp pháp để đưa vào phòng thí nghiệm là điều chúng ta cần phải ngăn chặn. Lòng tham không bao giờ đi trước bảo tồn có trách nhiệm".
Quan chức Campuchia bị cáo buộc đưa khỉ từ các vườn quốc gia và các khu bảo tồn khác trong nước đến các cơ sở nuôi nhốt, nơi chúng được cấp giấy phép xuất khẩu giả.
Hai quan chức bị cáo buộc nhận khoản tiền mặt 220 USD mỗi người để đổi lấy việc thu gom 3.000 con khỉ trái phép.
Hội nghị ở Panama quy tụ các đại biểu từ 184 bên tham gia Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (hay còn gọi là Công ước CITES), bao gồm một sự kiện vào ngày 23-11 về các mối đe dọa đối với chính loài khỉ mà các quan chức Campuchia bị cáo buộc buôn bán.
Theo dữ liệu của CITES, khỉ đuôi dài là loài linh trưởng được buôn bán nhiều nhất, hầu như chỉ dành cho mục đích làm thí nghiệm.
Tác giả: MINH KHÔI
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ