Hôm 22/12, Văn phòng Tổng thống Pháp xác nhận thông tin trên. Theo đó, quyết định này của ông Macron đặt dấu chấm hết cho một bộ luật ra đời từ năm 1955, theo đó một Tổng thống Pháp khi về hưu sẽ tự động nhận được một khoản trợ cấp khoảng 6220 euro mỗi tháng, bất kể khi đó bao nhiêu tuổi, đảm nhiệm cương vị Tổng thống trong bao lâu và có mức thu nhập cá nhân riêng là bao nhiêu.
Đây được xem là một hành động tỏ rõ quyết tâm của Tổng thống Pháp Macron trong việc theo đuổi đến cùng dự luật cải cách hưu trí đang gây chia rẽ lớn trong xã hội Pháp.
Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: AP |
Trong thông báo về việc chấm dứt chế độ trợ cấp lương hưu đặc biệt cho Tổng thống, ông Macron cũng cho biết các nguyên thủ quốc gia của Pháp trong tương lai cũng sẽ phải tham gia vào hệ thống hưu trí phổ quát tính theo điểm mà chính phủ Pháp đang dự định áp dụng.
Ngoài việc từ bỏ trợ cấp lương hưu đặc biệt, Tổng thống Pháp Macron cũng sẽ loại bỏ việc các cựu Tổng thống được tự động trở thành thành viên của Hội đồng lập hiến, nơi thường quy tụ các lãnh đạo cấp cao của Pháp sau khi nghỉ hưu và là thiết chế có tiếng nói cuối cùng để phân xử các vụ việc có xung đột với Hiến pháp của nước Pháp.
Trước đó, ngày 11/12, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe đã công bố chi tiết của dự thảo luật cải cách lương hưu, khẳng định rằng giải pháp duy nhất là làm việc lâu hơn. Trong khi đó, các cuộc đình công vẫn diễn ra trên khắp nước Pháp, khiến hoạt động giao thông tại nhiều khu vực đình trệ, nhất là ở Paris.
Theo dự luật này, tuổi nghỉ hưu chính thức giữ ở mức 62 tuổi cho đến năm 2027, sau đó sẽ tăng lên 64 tuổi. Quá trình chuyển sang hệ thống hưu trí phổ quát duy nhất (hợp nhất 42 quỹ hưu trí khác nhau) sẽ chỉ áp dụng cho thế hệ sinh từ năm 1975 và sau đó. Như vậy, thế hệ sinh từ năm 2004, sẽ đủ 18 tuổi vào năm 2022, trực tiếp được áp dụng vào hệ thống hưu trí mới.
Thủ tướng Pháp cho biết, dự luật này có lợi cho phụ nữ vì sẽ nhận 100% lương trong thời gian nghỉ sinh con và trợ cấp hưu trí sẽ được tính từ con đầu, chứ không phải từ con thứ ba như hệ thống lương hưu hiện nay. Người lao động nặng nhọc, độc hại có thể nghỉ hưu sớm hơn hai năm, tức là ở tuổi 60. Mức lương tối thiểu sẽ là 1.000 euro và lương hưu sẽ được tính theo mức lương tối thiểu, khi đó người nghỉ hưu sẽ nhận được mức lương tối thiểu 85%.
Tác giả: Ly Na
Nguồn tin: Antt.nguoiduatin.vn