Trong tỉnh

Nghệ An riết ráo giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam

UBND tỉnh giao các địa phương quản lý chặt chẽ phạm vi trước và sau GPMB, không để tình trạng xây dựng trái phép các công trình kiến trúc, mồ mả, trồng cây... nhằm trục lợi từ dự án.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam là công trình trọng điểm quốc gia, yêu cầu tiến độ thực hiện gấp rút, hiện UBND tỉnh Nghệ An phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các Sở, ngành, các huyện có tuyến đi qua tập trung giải phóng mặt bằng.

Hoàn thành trích lục trích đo 5/6 huyện

Diễn Châu là một trong những huyện có tuyến đường cao tốc Bắc Nam đi qua dài nhất với 26,68 km.

Theo trích lục bản đồ thì ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Lực, xóm 7, xã Diễn Cát sẽ bị mất đi 2/3 khi triển khai dự án đường cao tốc Bắc Nam. Ngôi nhà tuy đã gắn bó hàng chục năm nhưng với quan điểm tạo thuận lợi cho tuyến đường đi qua địa bàn xã nên khi được tuyên truyền vận động, gia đình bà sẵn sàng nhường lại ngôi nhà và mảnh vườn với diện tích 700m2 để đến nơi ở mới.

Bà Lực cho biết: Mình theo chủ trương Nhà nước, họ chia tái định cư ở đâu gia đình sẽ đến đó. Đã sẵn sàng tinh thần rồi, khi nào chính quyền làm xong khu tái định cư là gia đình sẽ chuyển.

Tuyên truyền vận động nhân dân xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang

Diễn Cát là địa bàn có chiều dài đường bộ cao tốc Bắc Nam đi qua nhiều nhất huyện với 4,3 km. Số hộ dân phải di dời tái định cư tới 60 hộ, chiếm gần 40% tổng số hộ cả huyện và phải di dời nghĩa trang tại xóm 7 với 100 mồ mả và hàng trăm ha đất bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Xuân Huy - Chủ tịch UBND xã Diễn Cát trao đổi: Địa phương cùng với huyện đã nhận mốc giải phóng mặt bằng và tuyên truyền vận động nhân dân không xây dựng trong mốc đã cắm và đồng thuận di dời để thực hiện dự án. Những hộ dân có ảnh hưởng được trao đổi, lựa chọn khu tái định cư nên nhân dân đều đồng thuận.

Hoàn thành trích lục trích đo ở huyện Diễn Châu. Ảnh: T.C

Hiện nay, việc xây dựng cầu vượt đường ngang qua cao tốc Bắc Nam tại điểm giao cắt với QL48 đoạn qua Diễn Yên và Quốc lộ 7B qua xã Diễn Đồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và nhất là việc sản xuất kinh doanh của 63 hộ hai bên cầu vượt. Bộ GTVT đã quyết định xây dựng thêm hầm chui dân sinh tại các điểm này, tạo điều kiện cho nhân dân lưu thông thuận tiện.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa phận 12 xã huyện Diễn Châu có tổng dài khoảng 26,68 km. Diện tích đất bị ảnh hưởng thu hồi là gần 2,2 triệu m2. 153 hộ phải thực hiện tái định cư, di dời 400 mồ mả. UBND huyện Diễn Châu đã thành lập 2 Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư thực hiện dự án.

Ngay sau hoàn thành cắm hơn 2.000 cọc mốc giải phóng mặt bằng, Diễn Châu đã hoàn thành việc trích đo, trích lục chi tiết từng hộ bị ảnh hưởng. UBND huyện đã hoàn thành việc họp dân, UBND tỉnh đã phê duyệt lựa chọn địa điểm khảo sát, lập quy hoạch 9 vị trí tái định cư tại các xã bị ảnh hưởng.

Quỳnh Lưu, hiện đã trích đo xong 6 xã Quỳnh Tân, Quỳnh Văn, Quỳnh Hoa, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lâm, Quỳnh Giang. Ông Hoàng Danh Lai - Bí thư Huyện ủy cho biết, Quỳnh Lưu coi công tác GPMB đường cao tốc là nhiệm vụ quan trọng, đã thực hiện trích đo trích lục, tuyên truyền và xác định 2 vị trí tái định cư, trong đó một vị trí là Quỳnh Hoa và một ở Quỳnh Tân và chuẩn bị tiến hành công tác đền bù GPMB.

Về trích đo, hiện Hoàng Mai, Quỳnh Lưu Diễn Châu, Nghi Lộc, Yên Thành đã thực hiện xong. Ở Hưng Nguyên đã đo xong 7/13 xã, chưa đo: 6 xã Hưng Đạo, Hưng Châu, Hưng Khánh, Hưng Phú, Thị trấn, Hưng Thông. Về công tác vốn cho GPMB, đến nay Ban QLDA 6 đã cấp 660 tỷ đồng.

Phấn đấu giải phóng sớm đất nông nghiệp trong tháng 3/2020

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Nghệ An, dự án đường cao tốc Bắc Nam qua Nghệ An, hiện đã hoàn thành công tác bàn giao cọc GPMB cho 38/38 xã, đạt 100%.

Sơ đồ hướng tuyến đường cao tốc Bắc Nam qua Quỳnh Lưu. Ảnh: T.C

Công tác tái định cư là công tác khó khăn phức tạp nhất. Theo báo cáo của các huyện, thị xã dự kiến khoảng 767 hộ phải tái định cư, trong đó (Thị xã Hoàng Mai 200 hộ; huyện Quỳnh Lưu 85 hộ; huyện Diễn Châu 153 hộ; huyện Yên Thành 39 hộ; huyện Nghi Lộc 50 hộ; huyện Hưng Nguyên 240 hộ).
Đến tháng 7/2019, Quỳnh Lưu chọn được 2/4 vị trí, Diễn Châu chọn được 9 vị trí đã trình UBND tỉnh và được UBND tỉnh cũng phê duyệt. Nghi Lộc đã chọn được 2 vị trí là Nghi Đồng, Nghi Phương. Huyện Hưng Nguyên lựa chọn được 13 vị trí.

Về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hiện UBND các huyện, thị xã đang kiểm tra, rà soát các công trình bị ảnh hưởng để lập phương án.

Sở Giao thông vận tải đang đề nghị các địa phương tập trung cao độ công tác giải phóng mặt bằng (GPMT). Riêng Hưng Nguyên cần đẩy nhanh tiến độ trích đo, trích lục. Đối với đoạn qua đất nông nghiệp: Dự kiến xong trong tháng 3/2020 (sau 9 tháng kể từ ngày được bàn giao cọc giải phóng mặt bằng). Đối với đoạn qua đất ở, vườn nhưng không thuộc diện tái định cư, GPMB xong trong tháng 4/2020 (sau 10 tháng kể từ ngày được bàn giao cọc giải phóng mặt bằng).

Ông Nguyễn Đức An - Phó Giám đốc Sở GTVT Nghệ An

Còn đối với đoạn đường đi qua đất ở, vườn phải bố trí tái định cư, dự kiến hoàn thành xong trong tháng 10/2020 (sau 16 tháng kể từ ngày được bàn giao cọc giải phóng mặt bằng). Thời gian xây dựng xong các khu tái định cư trong tháng 4/2020.

Để thuận lợi trong GPMB, UBND tỉnh cùng Sở Tài chính hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho UBND các huyện, thị xã đúng quy định theo chức năng nhiệm vụ của ngành. Chịu trách nhiệm thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở hồ sơ do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng lập về Phối hợp với các ngành liên quan giải quyết vướng mắc trong xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại và chính sách hỗ trợ.

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương tham mưu thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đối với các loại đất theo quy định Luật Đất đai.

Giao Sở Tài nguyên hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho UBND các huyện, thị xã đúng quy định theo chức năng nhiệm vụ của ngành. Giao các địa phương quản lý chặt chẽ phạm vi trước và sau GPMB, không để tình trạng xây dựng trái phép các công trình kiến trúc, mồ mả, trồng cây... nhằm trục lợi; Không để tình trạng tái lấn chiếm sau khi đã bồi thường GPMB.

Tác giả: Nhóm P.V

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP