Trong tỉnh

Nghệ An: Xã “dựng” hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng cho cán bộ xóm đứng tên

Sau chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy Nghệ An, phần đất xấu còn lại không được chia cho dân. Thế nhưng, khi dự án đi qua, chính quyền địa phương lại “dựng” lên hồ sơ cho 3 cán bộ xóm đứng tên, để nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Biến đất tập thể thành đất riêng

Phản ánh tới Báo Công lý, người dân xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) vô cùng bức xúc cho biết, khi dự án xây dựng mương tiêu Cồn Lều (thuộc địa bàn xóm 12, xã Diễn Yên) được lập, mặc dù sau khi chuyển đổi ruộng đất, phần đất còn lại khó sản xuất không được chia cho dân nhưng chính quyền địa phương lại lập hồ sơ cho Ban cán sự xóm 12 đứng tên trên danh nghĩa đất của 64 hộ gia đình để nhận tiền đền bù khi dự án đi qua.

Theo tìm hiểu của PV được biết, năm 2014, khi thực hiện nâng cấp mở rộng QL 1A đoạn qua xã Diễn Yên, dự án đã hoàn trả hệ thống mương tiêu dọc quốc lộ 1A sang dự án mương Cồn Lều, nên đã tiến hành thu hồi đất ở vùng Cồn Lều để xây mương.

Quyết định thu hồi số tiền đã hỗ trợ bồi thường GPMB cho 3 cán bộ xóm của UBND huyện Diễn Châu.

Thế nhưng, thay vì kiểm tra, xác minh phần đất sau chuyển đổi, UBND xã Diễn Yên lúc bấy giờ đã lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 3 cán bộ xóm đứng tên trên danh nghĩa đất 64 hộ gia đình, để nhận tiền hỗ trợ đền bù.

Các hộ được nhận tiền đền bù là ông Trình Hồng Phong, xóm 12 (Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy phụ trách xóm 12), bà Nguyễn Thị Hương, xóm 12 (xóm trưởng), ông Phạm Hồng Ba (xóm phó) trình Hội đồng bồi thường GPMB huyện và UBND huyện phê duyệt.

Theo quyết định phê duyệt của UBND huyện Diễn Châu ngày 25/4/2014, về phương án bồi thường, hỗ trợ cho 3 hộ nói trên với tổng số tiền là 334.785.000 triệu đồng.

Người đứng đầu “phủi” trách nhiệm?

Số tiền cán bộ xóm “được” nhận , sau đó đã nộp lại cho UBND xã Diễn Yên. UBND xã Diễn Yên lại tiếp tục nộp vào tài khoản tiền gửi mở tại Ngân hàng nông nghiệp Diễn Châu để theo dõi thu chi cho các nhu cầu của địa phương, nhưng lại không đưa vào báo cáo thu chi ngân sách của xã.

Nói về trách nhiệm của mình trong vấn đề này, ông Dương Đăng Hồi – Bí thư Đảng ủy xã Diễn Yên, nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Yên giãi bày: “Đã làm thì có lúc đúng, có lúc sai, đó là điều không tránh được, quan trọng là mình không lấy tiền tư túi riêng. Cái này là do anh em tham mưu sai”.

Trái ngược với khẳng định “do anh em tham mưu sai” của ông Hồi, tại nội dung bản kết luận trả lời "đơn phản ánh của công dân của UBND huyện Diễn Châu", trong đó ông Trình Hồng Phong nêu rõ: “Lý do ông được lập hồ sơ bồi thường GPMB là do có chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy giao cho UBND xã lập hồ sơ”.

Xã Diễn Yên nơi xảy ra liên tiếp những sai phạm.

Ông Đinh Xuân Lộc – nguyên công chức địa chính xã Diễn Yên cũng khẳng định: “Thời điểm đó, theo chỉ đạo của Thường trực UBND xã, phần diện tích đất bị ảnh hưởng sẽ lập hồ sơ bồi thường đứng tên cho 3 hộ nói trên”.

Từ những ý kiến nêu trên, có thể khẳng định sai phạm của chính quyền xã Diễn Yên mà người đứng đầu chính quyền lúc bấy giờ là có động cơ, có mục đích…chứ không phải do "tham mưu sai" như lãnh đạo xã đã lý giải.

Liên tiếp những sai phạm của chính quyền xã Diễn Yên, từ lập hồ sơ cho 3 cán bộ xóm nhận tiền hỗ trợ GPMB cho đến mới đây nhất là việc UBND xã “mượn tạm” tiền hỗ trợ lũ lụt của Nhà nước hỗ trợ cho người dân, để chi các hoạt động của địa phương. Phải chăng là do trình độ, năng lực của lãnh đạo hạn chế hay vì những lợi ích khác? Thiết nghĩ, những sai phạm nêu trên cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật, tránh để tình trạng “trên nóng dưới lạnh”.

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP